Những chiếc camera chưa tới 300.000 đồng có đầy đủ các tính năng ghi hình, thu tiếng, có thể đem đến tai vạ thay vì bảo vệ người dùng.
Camera gia đình “thượng vàng hạ cám”
Trong khoảng thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ camera bị hack (đánh cắp) dữ liệu, phát tán thông tin, hình ảnh nhạy cảm ra bên ngoài, lên mạng xã hội. Từ chức năng chống trộm, những chiếc camera lại thành những tên trộm rình rập, gây lo ngại cho nhiều người. Điều này xuất phát từ chính người dùng: thay vì đòi hỏi tính bảo mật cao, nhiều người chỉ cần giá rẻ.
Đa phần camera trôi nổi trên thị trường đều hạn chế tính năng bảo mật và kiểm soát bảo mật |
Theo ghi nhận của chúng tôi, camera gia đình gồm đủ các thương hiệu, xuất xứ và mức giá khác nhau, dòng rẻ nhất không quá 300.000 đồng/chiếc, những loại khá hơn cũng chỉ từ 700.000 - 1 triệu đồng. Những chiếc camera Yoosee, Intellhawk, Dahua, Xiaomi… đến từ Trung Quốc được rao bán chỉ từ 148.000-350.000 đồng/chiếc. Có lẽ do giá rẻ, những sản phẩm này trên các gian hàng của các trang thương mại điện tử có lượng người đặt mua hiển thị hàng ngàn lượt.
Dù giá còn rẻ hơn điện thoại “cục gạch”, những chiếc camera này lại được quảng cáo có hàng loạt tính năng như quan sát được cả ngày lẫn đêm, chất lượng hình full HD, có thể đàm thoại, xoay 360 độ, được tặng kèm thẻ nhớ dung lượng lớn khi mua. Người mua có thể tự lắp đặt, kết nối với wifi tại nhà và theo dõi qua điện thoại thông minh. Tại các cửa hàng chuyên cung cấp, lắp đặt camera có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm này có giá không hề rẻ: tính cả công lắp đặt và thiết bị, phụ kiện đi kèm, rẻ nhất cũng 1,4 triệu đồng/chiếc.
Tại cửa hàng camera an ninh trên đường Đặng Thùy Trâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sản phẩm có thương hiệu như Reolink, Ebitcam, Hikvision… có giá thấp nhất cũng 795.000 đồng/chiếc (trong nhà) và xấp xỉ 1,1 triệu đồng/chiếc (ngoài trời). Nếu là sản phẩm của các nhà sản xuất từ Nhật, Mỹ, giá có thể vài triệu đồng/chiếc vì ngoài các tính năng, độ bền, chúng có độ bảo mật cao hơn hẳn.
Rủi ro cho người dùng
Chủ các đơn vị cung cấp camera cho biết, khi đến lắp đặt cho khách, sau khi hướng dẫn sử dụng, nhân viên kỹ thuật sẽ chuyển toàn bộ mã sản phẩm (ID), mật khẩu và hướng dẫn cách đổi mật khẩu. Trường hợp khách hàng quên mật khẩu, thì các cửa hàng gần như sẽ không thể cung cấp lại được mật khẩu mới, dù khách cung cấp ID sản phẩm mà cửa hàng này đã bán. Riêng với các sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử, khách phải tự lắp đặt và sử dụng, chất lượng rất “trôi nổi”, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm nhập vào thiết bị, do có độ bảo mật kém.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - nhận định, đa phần camera trôi nổi trên thị trường chỉ có tính năng ghi hình, còn tính năng bảo mật và kiểm soát bảo mật hầu như không có. “Khi lắp đặt camera xong, thông thường, kỹ thuật viên lắp đặt có quyền truy cập và người sở hữu camera hầu như không biết. Những đối tượng này có thể truy cập, xem trộm những hình ảnh khách hàng. Đó là một trong những lý do rò rỉ hình ảnh cá nhân” - ông Thắng cho biết.
Việc lắp đặt camera gia đình thiếu cẩn trọng xuất phát từ tâm lý xem thường tính năng bảo mật. Để tránh rủi ro trong việc lắp đặt camera, tránh bị theo dõi, thu thập thông tin, hình ảnh nhằm mục đích trộm cắp tài sản hay phát tán hình ảnh nhạy cảm, ông Thắng cho rằng, người dùng nên lựa chọn những camera có tính năng bảo mật cao; khi lắp đặt xong, người chủ phải chủ động yêu cầu kỹ thuật chuyển giao mật khẩu ở cấp độ quản trị cao nhất (cấp độ admin), sau đó mới đổi mật khẩu.
“Nên tìm mua các sản phẩm của những thương hiệu có uy tín, tránh mua các sản phẩm rẻ tiền từ các quốc gia sản xuất đại trà, để đảm bảo an toàn thông tin. Khi lắp đặt camera, cần chú ý lắp ở những vị trí sinh hoạt, kiểm soát chung như phòng khách hoặc nơi có khả năng có người lạ ra vào, tránh lắp ở nơi riêng tư như phòng ngủ. Nếu không biết được loại camera nào để lựa chọn an toàn, khách hàng nên tìm đến các chuyên gia an ninh mạng để được tư vấn” - ông Thắng khuyên.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)