Năm 2022 sản lượng hàng hóa qua cảng tăng khoảng 6-8% so với 2021, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trước đây.
Theo Báo cáo của VPA, hàng hóa, container thông qua cảng biển trong năm 2021, năm chịu sự cách ly toàn phần để chống dịch giảm gần 1% so với năm trước đó, nhưng sản lượng container tăng được khoảng 8%.
Sau COVID-19, kinh tế Việt Nam đang cố gắng duy trì tốc độ phát triển cao trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn bất định trên phạm vi toàn cầu. Thương mại hàng hải nói riêng, phát triển chưa ổn định do những yếu tố thay đổi về nguồn hàng, giá cả, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng container thông qua cảng không còn tăng nhanh như trước khi có dịch. Dự kiến, cả năm 2022 sản lượng hàng qua cảng tăng khoảng 6- 8% so với 2021, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trước đây.
Theo ghi nhận của VPA, tỷ lệ sản lượng thông qua các nhóm cảng biển Việt Nam như sau: Nhóm cảng số 4 là 60% (trong đó khu vực TP.HCM chiếm 37%, khu vực cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải chiếm 23%), kế đến là nhóm cảng số 1 tại Hải Phòng chiếm 27%, nhóm 2 và 3 khu vực miền Trung 12%; nhóm 5 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 1%.
Ông Bùi Văn Quý - Phó chủ tịch VPA, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết, sau 2 năm khó khăn bởi đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong VPA đã có dấu hiệu khởi sắc.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng mong muốn VPA tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói của hiệp hội; đề xuất các kiến nghị cần thiết cho sự phát triển của các cảng thành viên, trong đó có Đà Nẵng, để tạo môi trường kinh doanh và pháp lý lành mạnh, nhất là phát triển lĩnh vực khai thác cảng biển ngang tầm khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế biển”.
Theo Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và quy định mới của Luật quy hoạch, tăng khung thời gian quy hoạch, tăng tính đồng bộ và vai trò của địa phương trong quy hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Dự kiến đến 2030, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cảng biển được dự kiến vào khoảng 13 tỷ USD, để đạt được mục tiêu tăng năng lực thông qua của cảng biển về hàng container lên 30-40 triệu TEU/năm.
Quy hoạch đã có nhiều đổi mới hướng đến quy mô phát triển hạ tầng cảng biển mang tính đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển của Đại hội XIII.
Về kinh phí để thực hiện, hơn 90% phải huy động vốn đầu tư xã hội hoá, và hiệp hội xác định sẽ tiếp tục cùng các cảng thành viên hiện thực hóa mục tiêu này.
Hội nghị thường niên VPA năm nay với chủ đề “Đồng hành để phát triển bền vững, đoàn kết để cùng đạt thành công”, đề ra các phương hướng hoạt động quan trọng cho các thành viên trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cảng theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại và xanh hóa, tăng cường hội nhập Quốc tế, vì mục tiêu phát triển một hệ sinh thái kinh tế biển bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển Việt Nam tới 2030, tầm nhìn 2050.
Tân cảng Sài Gòn trao cờ luân lưu tổ chức Hội nghị thường niên cho cảng Đồng Nai
Theo truyền thống về công tác từ thiện xã hội, hội nghị đã hỗ trợ xây nhà tình thương cho hộ nghèo ở Đà nẵng, hỗ trợ trẻ em làng SOS và mái ấm tình thương thành phố Đà Nẵng với tổng số tiền 170 triệu đồng.