Biệt thự thành nhà hoang
Căn biệt thự kiểu Pháp tại số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM nằm nép mình dưới tán cây dại mọc hoang, um tùm che cả phần mái ngói sứt mẻ.
Bà Thanh, ngoài 50 tuổi, nhìn căn biệt thự lắc đầu tiếc nuối. Bà kể từng sống trong căn nhà, gọi ông Lê Thanh Công, chủ cũ căn biệt thự bằng cậu. Bộ ảnh cưới của bà mấy chục năm về trước cũng được thực hiện tại đây.
Theo lời bà Thanh, biệt thự có chiều ngang 18 m, dài 30 m với một phòng khách, 4 phòng ngủ và khu phụ phía sau làm nhà bếp, nhà ở cho người giúp việc. Bà nói biệt thự được thiết kế "rất đẹp" với mái vòm, họa tiết trang trí bắt mắt và là một trong những biệt thự đẹp nhất ở khu ngã 5 Bình Hòa của Sài Gòn xưa.
Toàn cảnh biệt thự bỏ hoang nhìn từ đường Nơ Trang Long. Ảnh: Khổng Chiêm.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, không được tu sửa, căn biệt thự xuống cấp. Trước đây vài năm, ngói lợp khu nhà bếp phần sau biệt thự đã sập một phần. Cộng thêm việc có tranh chấp nội bộ gia đình xung quanh vấn đề chủ sở hữu, cuối cùng biệt thự đã được sang tay cho một người khác.
Vào một buổi sáng cách đây chừng hai năm, bà Thanh bất ngờ thấy nhóm người tới dỡ mái ngói, tháo xà ngang, đập bỏ phần phụ phía sau. Lúc ấy, bà mới biết biệt thự đã được bán đi với giá đâu đó 16 - 17 tỷ đồng. “Từng viên ngói được gỡ ra không vỡ một viên nào, các phù điêu gắn lên tường cũng bị đục ra, bọc gói cẩn thận đem đi mất”, bà nói.
Bà Thanh kể một số khách nước ngoài ghé quán cafe của bà nhìn thấy căn biệt thự bị đập bỏ mà tỏ ra tiếc nuối.
Hiện trạng bên trong biệt thự hiện tại. Ảnh: Khổng Chiêm.
Hình ảnh biệt thự trước khi bị tháo dỡ. Ảnh: Bà Thanh cung cấp.
Tranh cãi xung quanh việc bảo tồn
Tại thời điểm người dân phá dỡ biệt thự, UBND quận Bình Thạnh có văn bản cho rằng biệt thự xây dựng từ khoảng năm 1920 là biệt thự cũ, hiện trạng công trình đã xuống cấp nặng, cần phải có biện pháp bảo trì, sửa chữa.
Chủ nhà có đơn xin phép sửa chữa như gia cố những vết nứt, sửa lại các vị trí mái nhà và trần nhà đã mục nát, nâng nền, sơn nước toàn bộ nhà, sửa lại hàng rào và cổng ra vào. Song, do biệt thự chưa được kiểm tra, đánh giá, nên UBND quận Bình Thạnh đã yêu cầu chủ nhà ngưng tháo dỡ, chờ ý kiến của UBND thành phố.
Trong khi đó, bà Lê Thị Kim Oanh, chủ mới của căn biệt thự, trả lời trên báo Lao Động rằng chính quyền đã cấp sổ đỏ và cấp sở hữu căn nhà nhưng bà không có quyền định đoạt, quyền được phép xây dựng, sửa chữa căn nhà. Căn nhà theo bà cũng chưa được phân loại, công nhận di tích nhà cổ.
Lối đi trong căn biệt thự bị phủ lấp bởi lá cây khô và cỏ dại. Một phần xà gồ rơi xuống nền đất bừa bộn. Ảnh: Khổng Chiêm.
Đáp lại công văn từ UBND quận Bình Thạnh, Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng biệt thự của bà Oanh có nguồn nguồn gốc trước năm 1975. Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc đã đề xuất biệt thự trên thuộc nhóm 1 (gắn với di tích - lịch sử, có giá trị điển hình về kiến trúc ).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND quận Bình Thạnh làm việc trực tiếp với bà Oanh để hướng dẫn việc cải tạo, sửa chữa theo hướng “giữ nguyên mật độ xây dựng, tầng cao, chiều cao và các yếu tố khác tạo nên hình thức kiến trúc của ngôi nhà như mái ngói, các chi tiết mặt đứng”.
Bà Oanh cho rằng việc phục dựng gặp nhiều khó khăn khi tất cả vật liệu cấu trúc nên căn nhà đã gần 100 năm, nay đã mục nát. Chưa kể, việc kiếm vật liệu thay thế để phục dựng là không thể vì đã cả một thế kỷ. Quyền lợi hợp pháp của người dân được luật pháp công nhận thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy sở hữu nhà thì lại bị hạn chế.
Mới đây, TP HCM đã có văn bản về tiêu chí phân loại, đánh giá biệt thự cũ. Biệt thự sẽ được chia thành 3 nhóm: có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng Phân loại biệt thự xác định; không thuộc nhóm trên nhưng có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hoá; không thuộc cả hai nhóm trên.
Cánh cổng biệt thự vẫn im ỉm khóa hai năm nay. Ảnh: Khổng Chiêm.