Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết trong nêu gương cán bộ, đảng viên theo Quy định số 101-QĐ/TW?
- Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã nói rất rõ yêu cầu đối với cán bộ phải làm gì và vấn đề quan trọng số 1 là phải nêu gương. Bằng lối sống, lý tưởng sống, hành động của mình…, người lãnh đạo mà gương mẫu, chuẩn mực để cấp dưới, nhân dân noi theo. Những việc làm này quan trọng, cần thiết gấp nhiều lần so với những lời nói sáo rỗng, hô khẩu hiệu ở các cuộc họp, hội nghị.
Với các nội dung trong Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, những việc phải làm gương càng được cụ thể hoá, rõ ràng hơn để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử hiện nay là rất cần thiết và rất có lợi. Vấn đề là làm thế nào để tổ chức mọi người thực hiện nghiêm túc quy định đó của Trung ương.
Đảng ta đã xác định vai trò của cán bộ là vô cùng quan trọng, cán bộ quyết định hết thảy. Cán bộ là cái gốc của vấn đề, vì thế cán bộ càng phải nghiêm túc chấp hành các quy định. Trước tiên là không tham lam, tham nhũng, làm việc trên tinh thần một người vì mọi người, mọi người vì một người.
Qua 5 năm thực hiện, ông đánh giá như thế nào về việc các cán bộ, đảng viên thực hiện nêu gương theo Quy định số 101-QĐ/TW?
- Trong thời gian qua, nhiều người đã thực hiện tốt việc nêu gương. Không chỉ từ quy định này mà nhiều đảng viên, cán bộ trước đó đã luôn được giáo dục của Đảng, của gia đình, truyền thống dân tộc và tự giác ngộ. Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ đã hư hỏng, thoái hoá, biến chất. Trong Hội nghị thứ 4, nhiệm kỳ Đại hội khoá XI và khoá XII đã nhấn mạnh một bộ phận không nhỏ, trong đó, có những cán bộ cao cấp vi phạm. Vì thế Đảng ta mới có những nghị quyết, quy định hết sức kịp thời, quyết liệt và việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết đó.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội khoá XII đã xử lý một loạt cán bộ cao cấp về Đảng, chính quyền. Việc xử lý, chấn chỉnh trong Đảng cũng được thực hiện khá mạnh mẽ nhưng đó là bước đầu, bây giờ phải tiếp tục thực hiện để lập lại trật tự toàn diện trên mọi mặt, mọi nơi.
Theo ông, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
- Chúng ta vui mừng vì những kết quả bước đầu thể hiện sự quyết tâm chính trị của Trung ương, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư trong việc thực hiện nghiêm các quy định.
Tuy nhiên, việc đấu tranh chống tiêu cực hiện đang quyết liệt ở Trung ương nhưng tại một số địa phương còn hạn chế hơn. Vì vậy, tôi cho rằng từng tỉnh, từng huyện phải tự xem mình, trong thời gian qua Trung ương xử lý khá nhiều việc nghiêm túc nhưng ở từng địa phương mình đã tích cực hay chưa. Tại địa phương, với hệ thống tổ chức Đảng lãnh đạo và các hệ thống chính trị xem xét nơi nào yếu kém, tê liệt, dĩ hoà vi quý thì cần khắc phục. Các tổ chức đoàn thể xã hội chính trị cũng cần thể hiện vai trò của mình, giáo dục cho hội viên của mình không vi phạm và đấu tranh với các biểu hiện sai trái. Chính vì thế cần nêu gương, cần tự chấn chỉnh nội bộ.
Vừa qua, ở TP.Hồ Chí Minh có một dấu hiệu tốt khi tự xem xét khuyết điểm của một đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ rồi đề nghị xử lý hình thức kỷ luật lên Trung ương. Nhưng mới có một việc nổi bật đó, còn lại chưa thực sự có những vụ việc tiêu biểu.
Chúng ta rất đau xót mỗi khi phải kỷ luật cán bộ. Chưa nói tới những người bị kỷ luật, bị đi tù, mà có những người bị nhân dân khinh bỉ, chán ghét không chỉ là nỗi đau của riêng người đó, đồng thời là nỗi đau cho Đảng, cho chính quyền, cho tổ chức của chúng ta.
Trong thời gian tới để quy định có tác động tốt hơn, thì các quy định của Trung ương Đảng cần được phổ biến đến tận tổ chức Đảng cơ sở, đảng viên. Các đơn vị cần chiếu theo quy định đó để thực hiện, nơi nào không thực hiện tốt, cấp uỷ các cấp, uỷ ban kiểm tra các cấp giám sát và kiểm tra và cần kỷ luật nghiêm. Nếu ai không làm việc được, không có uy tín thì kiên quyết thay thế.