Lấy mẫu không đại diện
Ông Phạm Tứ Phương – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời buổi cạnh tranh thương mại gay gắt như hiện nay, việc cán bộ cơ quan chức năng “móc nối” với DN hoặc chơi xấu một đơn vị nào đó rất dễ dàng. “Như đối với phân trộn như NPK, khi lấy mẫu kiểm tra, “cán bộ” chỉ cần cầm bao phân rồi thổ thổ để các hạt nặng rơi xuống dưới, hạt nhẹ ở trên là kết quả xét nghiệm sẽ cho ra sản phẩm không đảm bảo các chỉ tiêu về tỉ lệ” - ông Phương nêu ví dụ.
Cả cơ quan nhà nước cũng “sợ” những cán bộ thích “đi đêm”, những đại lý bắt tay với doanh nghiệp để sản xuất, phân phối phân bón dỏm (ảnh minh họa). Ảnh: T.H
Trước tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, mới đây UBND TP.HCM đã ra “quyết sách” là từ năm 2018, nếu để tình trạng sản xuất phân bón không phép, kém chất lượng xảy ra trên địa bàn mà địa phương không biết thì cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. UBND TP.HCM cũng sẽ xem xét để yêu cầu khởi tố một số DN, cơ sở vi phạm nhằm tạo răn đe chung. |
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng thừa nhận, từng xảy ra tình trạng cán bộ quản lý nhà nước khi kiểm tra sản phẩm đã lấy mẫu không đại diện, cố tình làm sai lệch các chỉ tiêu có trong mẫu. Cũng có tình trạng, cán bộ quản lý chỉ định các cơ quan phân tích, kiểm định không đạt chuẩn, công nghệ phân tích còn nghèo nàn… thì kết quả cho ra sẽ không chính xác, thiệt hại cho DN.
“Khi DN phát hiện có cơ sở làm gian, làm giả sản phẩm của mình nhưng báo cáo lên cơ quan chức năng thì không ai xử lý, chỉ báo là “đã ghi nhận”. Đây cũng được xem là một hình thức tiếp tay cho những cơ sở làm ăn gian dối” - ông Hồng nói.
Sợ nhất cán bộ “đi đêm”!
Không chỉ trực tiếp lấy mẫu không đúng phương pháp, không đại diện cho sản phẩm khiến kết quả không chính xác, cơ quan quản lý nhà nước cũng “sợ” những cán bộ “đi đêm”, gián tiếp ủng hộ các cơ sở làm ăn gian dối.
Theo ông Phạm Tứ Phương, trong quản lý phân bón không chỉ DN sản xuất muốn lừa đảo hay gian dối mà còn có tình trạng “đi đêm” giữa đại lý và nhà sản xuất. Để tạo sự cạnh tranh giữa các hãng khác nhau mà đại lý chính là cánh tay nối dài, trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thì họ lại đặt hàng nhà sản xuất làm ra các sản phẩm giảm chất lượng, chỉ còn khoảng 80 – 85% như công bố.
“Tôi nói thật, không phải cán bộ cơ quan chức năng nào cũng “xịn” hết. Tôi hiểu rất rõ vấn đề này vì tôi cũng xuất thân từ cán bộ Quản lý thị trường” - ông Phương khẳng định.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ chống hàng giả Việt Nam, qua nhiều lần tham gia cùng lực lượng chức năng xuống địa bàn, ông thấy có sự báo động đề đạo đức người thực thi luật pháp ở địa phương. Cụ thể, khi đi kiểm tra thực tế cùng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Hùng gặp một điều lạ lùng là khi các lực lượng kiểm tra xuống địa phương, các chủ DN có trong danh sách kiểm tra đã trốn hết.
“Vậy ai là người đã báo cho DN biết? Chắc chắn phải có thông tin từ trong nội bộ cơ quan kiểm tra tuồn ra. Đạo đức công chức mà thấp thì mọi chính sách của Chính phủ đều phá sản” - ông Hùng nói tại một diễn đàn trực tuyến về phân bón giả tổ chức hồi cuối năm 2017.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, TP.HCM đẩy mạnh chương trình kiểm tra hoạt động sản xuất phân bón trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2016, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 103 trường hợp vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón, xử phạt hành chính gần 2,5 tỷ đồng. Còn về khâu sản xuất phân bón, khi kiểm tra 56 cơ sở thì có đến 20 cơ sở sản xuất không phép.