Ngày 28-6, sau nhiều ngày nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Huỳnh Tấn Luật (SN 1973, nguyên cán bộ Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam - VietinBank) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, VKS đề nghị phạt bị cáo từ 17 đến 19 năm tù. Luật sư của người bị hại cho rằng bị cáo ra toà đổi lời khai quanh co nên cần xử nghiêm.
HĐXX nhận định VKS truy tố Luật là đúng người đúng tội. Toà áp dụng hướng dẫn có lợi của Luật theo BLHS mới cho bị cáo và khi lượng hình toà cũng xem xét các tình tiết nhân thân, khai báo thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả. Tuy nhiên bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, khó có khả năng khắc phục hậu quả nên cần xử mức án nghiêm nhất của khung hình phạt.
Về 21 tài sản Luật nhờ người thân đứng trên mua bằng nguồn tiền vay của các bị hại trong đó chủ yếu của và K., tòa tiếp tục duy trì kê biên đảm bảo thi hành 13 tài sản.... Bà K. có thể khởi kiện dân sự nếu có tranh chấp về tài sản.
Toà đã tuyên phạt bị cáo Luật 20 năm tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng sung quỹ nhà nước. HĐXX cũng buộc bị cáo bồi thường số tiền chiếm đoạt cho người bị hại.
Bị cáo Luật nghe toà tuyên án.
Theo hồ sơ, bà V.T.K. (ngụ quận 11, TP.HCM) có mối quan hệ thân thiết với mẹ của Luật.
Vì biết bà K. có nhiều tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng nên mẹ Luật nhờ bạn gửi tiền vào phòng giao dịch Vietinbank do Luật phụ trách với mục đích giúp con trai tăng doanh số. Vốn có mối thâm giao từ lâu nên bà K. đồng ý giúp bạn mà không mảy may nghi ngờ. Tháng 7-2010, bà K. bắt đầu gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank. Đến tháng 10-2011 trở đi, ngân hàng đồng ý việc Luật thực hiện tất cả giao dịch tại nhà bà K.
Năm 2012, sau khi có niềm tin từ bà K., Luật vay hơn 239 tỉ đồng và gần 8.700 USD của bà K. với lý do làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Luật cam kết trả lãi suất khoản vay cao hơn lãi suất ngân hàng . Hai năm sau, bà K. liên tục đòi nợ nhưng Luật không có khả năng trả.
Sau nhiều lần khất nợ, Luật nghĩ cách chiếm đoạt số tiền đã vay. Nghĩ là làm, Luật soạn thảo, in ghép thêm nội dung trả nợi hết cho bà K. vào 9 tờ giấy. Đồng thời, Luật làm giả biên nhận bà K. vay Luật 82 tỉ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC. Sau đó, Luật điện thoại, nhắn tin đòi nợ ngược lại bà K. Chưa dừng lại, Luật làm đơn tố cáo bà K. chiếm đoạt số tiền trên. Tháng 9-2014, Luật khởi kiện đòi nợ. Đáp trả, bà K. tố cáo Luật có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản.
Nhận đơn tố cáo, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh. Theo kết quả điều tra, chữ ký trên 9 tờ giấy Luật dùng đòi nợ bà K. là chữ ký giả.
Trước đó, VKS Tối cao từng yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án. Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định thêm 12 người nữa là nạn nhân của “siêu lừa” này. Cụ thể, giai đoạn 2006-2014, Huỳnh Tấn Luật vay của 13 người hơn 401 tỉ đồng và gần 8,7 triệu đô la Mỹ. Luật dùng số tiền chiếm đoạt mua 13 tài sản là nhà, đất, xe hơi rồi gấp rút sang nhượng cho người khác.