Mới đây, vụ việc nguyên Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường vừa nghỉ hưu ngày 31/12/2021, ngày hôm sau đã được Cty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tuyển dụng và bổ nhiệm đã khiến nhiều người băn khoăn.
Ban đầu, Bamboo Airways phát thông báo bổ nhiệm ông Cường làm Phó Tổng giám đốc từ ngày 1/1/2022. Ngay sau đó, hãng này giải thích lại ông Cường chỉ về làm cố vấn cao cấp tại doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Huy Cường cho biết, ông chỉ làm cố vấn tại Bamboo Airways, công việc là tham mưu về an toàn và chất lượng dịch vụ cho lãnh đạo của hãng, không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Còn thông tin được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways, ông Cường lý giải, do bộ phận truyền thông của doanh nghiệp nhầm lẫn khi gửi thông tin cho báo chí.
Theo Điều 23 Nghị định 59, Bộ GTVT phải có quy định cụ thể về thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sau khi thôi chức vụ. Tuy nhiên, tới nay Bộ GTVT chưa có hướng dẫn này. Trước đây, nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng từng tham gia điều hành doanh nghiệp về giao thông sau khi nghỉ hưu đã gây nhiều dư luận. Trong khi đó, hiện có không ít doanh nghiệp sử dụng lực lượng cố vấn, tư vấn là những người từng làm việc tại cơ quan nhà nước vừa nghỉ hưu.
Một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, để xác định ông Cường có vi phạm quy định tại Nghị định 59 hay không cần xác minh thêm phía Bamboo Airways, căn cứ điều lệ doanh nghiệp xem vị trí cố vấn cao cấp có phải là chức danh lãnh đạo không. Về lo ngại ông Cường có thể tiết lộ các bí mật nhà nước trong lĩnh vực từng quản lý, theo nguồn tin trên, quy định bí mật nhà nước đã có, ông Cường đã nghỉ hưu, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm như công dân.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trần Hữu Huỳnh (nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) cho rằng, quy định hiện hành chỉ hạn chế thời gian người có chức vụ trong cơ quan nhà nước khi nghỉ không được tham gia lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực mình từng quản lý. Điều này nhằm đảm bảo những thông tin khi làm nhà nước biết nhưng thị trường không biết bị lỗi thời, không còn phù hợp, dù có sử dụng cũng không tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nước nào cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, cần làm rõ chức danh quản lý, điều hành tại doanh nghiệp là gì, vì có thể tên gọi khác nhau, nhưng bản chất công việc vẫn là quản lý.
“Vấn đề không nằm ở việc anh làm chỗ nào, chức danh gì, thậm chí ngoài công ty, nhưng vẫn đưa thông tin có được khi làm nhà nước cho doanh nghiệp sau nghỉ hưu cũng không phù hợp. Về lý thuyết, khi đã nghỉ hưu, có lương hưu và chế độ khác, trong khoảng thời gian nhất định không nên đưa thông tin đó ra ngoài doanh nghiệp với bất kể tư cách gì, có lợi ích hay không”, ông Huỳnh nói. Do đó, vị luật sư này đề xuất, đã trong bộ máy nhà nước, hoặc giữ chức vụ, thì cần thiết phải trong 1-2 năm sau khi nghỉ không được tham gia lĩnh vực mình từng quản lý cũng phù hợp. Đặc biệt các vị trí công việc có nhiều thông tin nhạy cảm giữa các doanh nghiệp.
Điều 22, Nghị định 59 (2019) quy định: Bộ GTVT thuộc nhóm 1, tức lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn sau khi thôi chức vụ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã. Thời hạn không được tham gia theo quy định trên từ 12-24 tháng, thời hạn cụ thể do bộ trưởng quy định (Điều 23).