Theo đại diện Công ty Tư vấn BCG - đơn vị đang thực hiện các phương án quy hoạch đặc khu, có 5 vấn đề tại khu vực Bắc Vân Phong, gồm: chiến lược tổng quan; mô hình, thể chế và vốn; hạ tầng cứng và mềm; cơ chế quản lý đặc thù và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong phải tạo được cụm công nghiệp để hiệp lực phát triển, thiết lập được thể chế đặc biệt, khác biệt so với nền kinh tế chung… Công ty Tư vấn BCG gợi ý trong Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong có thể phát triển du lịch, công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao.
Một khu đảo nhỏ tại Bắc Vân Phong
Khu vực cảng biển và nhà máy đóng tàu Vinashin.
Một góc Vịnh Vân Phong - Nơi đang diễn ra những cơn sốt đất ngầm.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong có vị trí tại huyện Vạn Ninh, tổng diện tích khoảng 66.000ha, trong đó có 19.000ha đất liền, các đảo và 47.000ha mặt nước.
Mục tiêu phát triển của đặc khu là trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch lớn, hiện đại của khu vực và quốc tế; tạo động lực để phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo đó, Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong sẽ ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành nghề, gồm: công nghiệp dịch vụ cảng biển và logistic (dịch vụ vận chuyển hàng hóa); dịch vụ tài chính quốc tế; du lịch cao cấp có casino, khu giải trí đẳng cấp quốc tế; công nghiệp khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Sau khi thành lập, Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong sẽ trực thuộc quản lý của UBND tỉnh.
Trung tâm thị trần Vạn Giả, huyện Vạn Ninh.
Nhiều lô đất có diện tích lớn trước mặt biển đã được san lấp mặt bằng, chuẩn bị xây dựng khách sạn, nhà trọ để phục vụ du khách.
Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, cho biết trong khi mọi việc vẫn còn đang bàn thảo thì đất ở Vạn Ninh đã bị làm giá và nhiều khả năng bị vỡ bong bóng trong thời gian tới. Cơn sốt là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống "cò mồi" để cùng nhau ôm đất rồi thổi giá ảo để bán kiếm lời.
Do đó, nếu không quản lý chặt và có những cảnh báo mạnh mẽ thì khi Đặc khu Bắc Vân Phong hình thành sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp như: hạn chế chuyển mục đích sử dụng, ngăn chặn tình trạng đứng tên hộ, đầu cơ bằng cách mua cùng lúc nhiều lô đất…
Khu vực trung tâm sốt đất tại xã Vạn Thạnh, một lô đất rộng 2.000m2 bán lần thứ nhất 4 tỷ đồng, sau hai ngày được chuyển sang người mới giá 8 tỷ, và mới đây đã lên 16 tỷ đồng.
Khu Đầm Môn có nhiều đảo nhỏ đẹp, trong xanh nên đang có một số dự án nghỉ dưỡng khởi động.
Theo đại diện UBND xả Vạn Thạnh, hiện địa phương đang lên kế hoạch kiểm đếm, đo đạc diện tích các hộ dân trong vùng để chuẩn bị phương án di dời.
Công trường thi công dự án cảng tàu khách quốc tế Đầm Môn.
Nhiều chòi lá kinh doanh ăn uống hải sản, cũng là nơi các cuộc giao dịch đất ở Bắc Vân Phong diễn ra hàng ngày.
Vùng dành cho phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Bắc Vân Phong.
Khu vực thị trấn Bắc Vân Phong, Vịnh Đầm. Theo quan sát, khu vực này cấm mọi hoạt động buôn bán nhà đất do nằm trong khu quy hoạch đặc khu.
Nhiều dự án nghỉ dưỡng lớn đang đẩy nhanh tiến độ thi công trước khi đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong ra đời.
Bắc Vân Phong có diện tích rất lớn, trong đó trải dài đến vị trí Hầm đường bộ Đèo Cả, giáp ranh với tỉnh Phú Yên.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hiện nay Quốc hội đang xây dựng Luật Đặc khu và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội năm nay. UBND tỉnh cũng đang tập trung xây dựng nguồn nhân lực và quy hoạch cho đặc khu.
Tỉnh đánh giá cao các ý tưởng đề xuất của nhà đầu tư thời gian gần đây. Các ý tưởng này rất hay và có nhiều điểm tương đồng với quan điểm phát triển đặc khu Bắc Vân Phong của địa phương. Tỉnh sẽ tiếp thu những ý tưởng đó và giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổng hợp để làm việc với các đơn vị tư vấn, có bổ sung vào quy hoạch tổng thể đặc khu, trình Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất trình Chính phủ trong thời gian tới.