Vương Phú Ngọc, người sẽ bước sang tuổi 70 vào năm nay, đã bị "ngã ngựa" vào tháng 2 năm ngoái. Khi đó, ông ta đã thôi giữ chức Chủ tịch tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) và nghỉ hưu được hơn 3 năm.
Quan tham Vương Phú Ngọc
Vương Phú Ngọc sinh ra ở Đường Hà (tỉnh Hà Nam), đã có hơn 20 năm là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ của Trung Quốc; từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương ở các tỉnh Hải Nam và Quý Châu. Ông ta nghỉ hưu vào năm 2018.
Tháng 2/2021, Vương Phú Ngọc bị điều tra và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 8. Theo báo cáo điều tra, ông ta có hành vi như "kẻ hai mặt".
Ngày 30/11/2021, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thiên Tân đã tổ chức phiên tòa xét xử Vương Phú Ngọc. Công tố viên cáo buộc rằng ông ta bắt đầu tham nhũng từ năm 1995 cho đến khi bị điều tra vào năm 2021.
Vương đã lợi dụng chức vụ nhằm giúp đỡ các đơn vị và cá nhân có liên quan trong nhiều vấn đề như vận hành doanh nghiệp, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh công việc… để thu lợi số tiền hơn 434 triệu Nhân dân tệ (1560 tỷ VNĐ).
Ngoài ra, từ năm 2019 đến năm 2020, khi đã nghỉ hưu, Vương Phú Ngọc, vẫn có thể dùng ảnh hưởng của mình để nhận hối lộ của người khác, tổng số tiền hơn 17,35 triệu NDT (62,4 tỷ VNĐ).
Cận cảnh biệt thự của quan tham Trung Quốc: Treo đầy lời hay ý đẹp nhưng là "kẻ hai mặt"
Tổ chuyên án đã phát hiện ra rất nhiều bất động sản liên quan đến vụ án, có bất động sản do Vương Phú Ngọc trực tiếp nhận, có bất động sản được mua bằng tiền thu lợi bất chính, lại có bất động sản lại được chủ doanh nghiệp mua để Vương Phú Ngọc sử dụng lâu dài.
Căn biệt thự sang trọng ở Quý Dương mà Vương Phú Ngọc sử dụng trong thời gian dài là do một chủ doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết bỏ tiền trang trí rất xa hoa, phòng chiếu phim và phòng tập thể dục đều có sẵn, các chi tiết trang trí nội thất vô cùng tinh xảo.
Vương Phú Ngọc nói: "Bản thân tôi rất hối hận, đã không vượt qua được thử thách của công cuộc cải cách mở cửa. Ý nguyện và sứ mệnh ban đầu đã không còn, ngay cả sự kính nể sau này cũng không còn nữa".
Có một điều rất mỉa mai là những bức thư pháp treo đầy trên tường phòng khách của căn biệt thự đều thể hiện rằng Vương Phú Ngọc lo lắng cho người dân và không màng danh lợi.
Chính giữa phòng treo câu nói nổi tiếng của một viên quan thời Khang Hy: "Được làm quan thì không lấy đó là vinh dự, mất chức quan cũng không vì thế mà thấy nhục, đừng nói làm quan vô dụng, cả vùng đều trông cậy vào quan; ăn cơm của dân, mặc áo của dân, có thể lừa gạt người dân, nhưng bản thân cũng là dân".
Hai bên còn treo đôi câu đối do một ông chủ tặng cho Vương Phú Ngọc: "Làm người tốt tâm sáng như ngọc, Vì dân tinh thần sướng như tiên". Trong đôi câu đối này có tên của Vương Phú Ngọc để nịnh ông ta. Sự tương phản giữa thư pháp trên tường và căn biệt thự sang trọng là minh họa sống động cho phong cách "kẻ hai mặt" của Vương Phú Ngọc.