Cận cảnh căn biệt thự cổ gần 100 năm tại Sài Gòn
Sau hơn 2 năm khảo sát, dự kiến giữa tháng 12/2018, biệt thự Võ Văn Tần sẽ chính thức được trùng tu. Bước đầu tiên sẽ phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này. Sau đó sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, ba cổng vào và hàng rào. Thời gian trùng tu kéo dài hơn ba năm. Ê-kíp trùng tu là các chuyên gia đến từ Ý, Pháp...
Đây là kết quả sau gần 3 năm tập trung vào việc đánh giá và nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, trong khung hội thảo về không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TPHCM”, đơn vị thực hiện đã đưa ra đề án phục dựng hoàn chỉnh cho biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, căn biệt thự cổ này trị giá 35 triệu USD (gần 800 tỉ đồng) tọa lạc tại quận 3, TPHCM.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng chia sẻ thêm, sau khi tham quan thực địa biệt thự 110-112 Võ Văn Tần và trao đổi cùng những người phụ trách dự án đã cho thấy thấy quy trình khảo sát để lập kế hoạch, phương án trùng tu công trình và dự kiến công việc tiếp theo được thực hiện khoa học, bài bản.
Theo Sở QH-KT TP.HCM, biệt thự Phương Nam đã được kiểm kê và khả năng đưa vào diện xem xét cần bảo tồn là rất cao vì có kiến trúc, cảnh quan rất đẹp.
Nguyên vật liệu để xây dựng căn biệt thự duyên dáng này được vận chuyển từ Pháp sang theo đường biển. Các điểm nhấn nhá, cổng vòm, bao lơn, trụ, cửa sổ, cửa chính đều được chế tác hết sức tỉ mỉ và tinh xảo bằng sắt Tây nhập nguyên dạng từ Pháp.
Lối vào cửa chính có hai lớp cửa, bên trong cửa gỗ và bên ngoài cửa cuốn sắt được đẩy lên. Phần mái được lợp bằng ngói đỏ. Đặc biệt, tại các mấu nối của mái nhà, có thiết kế thêm cột thu sét vừa đảm bảo an toàn lại vừa trở thành chi tiết trang trí cho ngôi biệt thự.
Theo tài liệu còn lưu lại, ngôi biệt thự này được xây bởi một người vô cùng giàu có ở Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi xây dựng không lâu, ngôi biệt thự này được bán lại cho một đại phú hộ khác, một người rất có vị thế ở Sài Gòn xưa. Vị đại phú hộ này bỏ ra cả đống vàng mua ngôi nhà này sau đó đặt tên là "Biệt thự Phương Nam" rồi tặng cho người con gái mới 16 tuổi của mình cùng nhiều tài sản giá trị khác để làm của hồi môn.
Vị tiểu thư kia lấy chồng rồi sinh hạ được bảy người con và tất cả đều sinh sống ở biệt thự Phương Nam. Tuy nhiên, do thời cuộc mà sau đó sáu trong bảy người con của vị tiểu thư kia đến tuổi trưởng thành, xây dựng gia đình thì đều đi sang Pháp và Mỹ sinh sống. Trước khi qua đời, vị tiểu thư đã khẳng định là biệt thự Phương Nam này thuộc quyền sở hữu của cả bảy người con, trong đó có cụ bà vừa rời khỏi căn biệt thự và quyền lợi của mọi người là như nhau.
Được biết, căn biệt thự Võ văn Tần được Công ty Cổ phần Minerva mua lại vào cuối năm 2015 với giá trị 35 triệu USD (gần 800 tỉ đồng). Cho đến giờ, êkíp trùng tu vẫn chưa xác định được năm chính xác biệt thự này được xây dựng. Tuy nhiên, kiến trúc sư (KTS) Nicolas Viste (Pháp), trưởng nhóm trùng tu biệt thự Võ Văn Tần, cho biết: "Chúng tôi tin rằng ngôi biệt thự này được xây dựng vào năm 1927".
KTS Nicolas Viste khẳng định: "Biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam đã bị bỏ quên theo thời gian. Nhà thiết kế biệt thự này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian".
Để hoàn thành căn biệt thự này, hàng chục thợ tay nghề cao đã phải xây dựng trong khoảng thời gian gần một năm.
Biệt thự này không chỉ đặc biệt ở phần diện tích 2.800 m2, không gian xung quanh mà tất cả chi tiết trong biệt thự đều là những tác phẩm kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của thập niên 1920 tại Sài Gòn. Các phần: Gạch nền của biệt thự không phải gạch xi măng mà là gạch ceramic được sản xuất riêng; lan can cầu thang sắt đều được nhập từ Pháp và Đức; toàn bộ mái ngói xuất xứ từ Pháp; toàn bộ kính mờ nhập khẩu từ châu Âu; hệ thống tranh tường, trần nhà đặc sắc…