Ô đất có ký hiệu D30 tại quận Cầu Giấy vừa được Mỹ thuê 99 năm để xây dựng Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ mới. Lễ ký thỏa thuận thuê đất diễn ra chiều ngày 25/8 dưới sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Trụ sở hiện tại của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nằm tại số 7, phố Láng Hạ, quận Đống Đa. Công trình này được xây dựng cách đây 22 năm.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, trước đó, Mỹ và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về địa điểm hiện tại cho trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vào năm 2019. Đầu năm nay, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Mỹ thuê địa điểm và ban hành Quyết định Cho thuê đất. Lễ ký hợp đồng thuê đất là kết quả của những cam kết giữa hai quốc gia.
Ô đất có diện tích 3,2 ha nằm tại đường Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội, một khu vực thương mại và dân cư đang phát triển. Sau khi được xây mới, Đại sứ quán sẽ nằm trong khu vực đang đổi mới và tăng trưởng, gần các trường đại học uy lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ô đất này có 4 mặt tiền. Trong đó, một mặt giáp với đường Phạm Văn Bạch đối diện với trụ sở Viện Huyết học truyền máu Trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; một mặt giáp với công viên Cầu Giấy; hai mặt còn lại giáp đường lớn.
Theo Quy hoạch 1/500 Phần còn lại của khu đô thị mới Cầu Giấy được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2007, ô đất D30 này có chức năng là đất công cộng, văn phòng.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, cho biết các thủ tục thuê đất của Đại sứ quán Mỹ được thực hiện theo các quy định của luật Đất đai 2013. Về giá thuê, hình thức trả tiền… ông Cường không thông tin gì thêm.
Hiện tại khu đất đang được quây tôn 4 phía.
Đại sứ quán Mỹ cho biết quy mô sàn xây dựng dự án này là 39.000 m2; tổng ngân sách dự toán là 1,2 tỷ USD. Đơn vị chịu trách nhiệm về kiến trúc là EYP Architecture & Engineering có trụ sở tại Washington, D.C. Thiết kế tòa nhà được lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long, thiết kế cảnh quan từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo.
Hình ảnh 3D đầu tiên của công trình này được hãng EYP Architecture & Enginerring công bố.