Đường Lý Thái Tổ thuộc TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tuy chỉ có chiều dài chưa đầy 2 km nhưng lại tập trung hầu hết các cơ quan hành chính của tỉnh.
Là trục giao thông chính của TP.Bắc Ninh, đồng thời cũng là trục giao thông chạy qua trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bắc Ninh, đường Lý Thái Tổ được thiết kế với 8 làn xe chạy, vỉa hè rộng đến 7 m. Chỉ tính từ ngã sáu thành phố Bắc Ninh đến khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (khoảng 1km) là nơi đặt trụ sở của 12 sở, ngành của tỉnh như: sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Công Thương, sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Hành chính công tỉnh, sở Nội vụ…
Do nằm trên trục đường chính, lại nằm sát vách nhau nên người dân và các tổ chức dễ dàng di chuyển giữa các cơ quan mỗi khi cần giải quyết công việc. Anh Ngô Quốc Trung (giám đốc một công ty trên địa bàn tỉnh) cho biết giấy tờ của công ty anh thường liên quan đến nhiều sở ngành nhưng do bố trí gần nhau nên việc đi lại tương đối dễ dàng. Đôi khi, anh chỉ cần đi bộ từ sở này sang sở khác nên tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Là một trong 3 địa phương được Thủ tướng cho thí điểm, Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và đã nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Trong 3 năm liên tiếp (2018, 2019, 2020) Bắc Ninh luôn nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) cao nhất, trong đó có 2 năm đứng thứ 4. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) cũng tăng hạng từ 33 (năm 2018) lên hạng 9 năm 2019, hạng 7 năm 2020 và năm 2021. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh duy trì trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước.
Ở giữa con đường 8 làn xe, tỉnh Bắc Ninh đặt tượng đài vua Lý Thái Tổ. Đây là công trình công trình mang nhiều ý nghĩa văn hóa lịch sử nhằm tôn vinh, ghi nhớ công ơn của vị vua khai mở triều đại nhà Lý. Đây cũng là điểm ngăn cách giữa đoạn đường đặt trụ sở của các sở ngành với 2 cơ quan đầu não của tỉnh là UBND tỉnh và Tỉnh ủy ở phía sau.
Trong ảnh là trụ sở hai cơ quan đầu não của tỉnh, bên phải là Tỉnh ủy, bên trái là UBND tỉnh Bắc Ninh được đặt ngay sau khu vực tượng đài. Trước mặt là hai hồ điều hòa tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ cho cả khu vực. Đồng thời, khu vực này cũng được Bắc Ninh lựa chọn là nơi bắn pháo hoa mừng năm mới mỗi dịp xuân về.
Điểm nhấn của khu hành chính tỉnh là Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc. Công trình được khánh thành năm 2008 với diện tích hơn 10 ha. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Khang - Chủ nhiệm đề án công trình này cho rằng đây là mô hình kiến trúc độc đáo và hoành tráng nhất tại Việt Nam thời đó. Mỗi năm tại đây tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ từ hội họp, hội thảo, gặp mặt quy mô nhỏ cho đến các chương trình lớn như giao lưu, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, hội chợ, triển lãm…
Bảo tàng Bắc Ninh là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cũng như tôn vinh các giá trị truyền thống của tỉnh. Bảo tàng có diện tích hơn 2,2 ha là nơi lưu trữ hơn 21.000 tài liệu, hiện vật; được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Với vị trí thuận lợi và có nhiều hoạt động, bảo tàng Bắc Ninh đã thu hút hơn 300.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Từ những chính sách điều hành đúng đắn, kết hợp với việc quy hoạch đồng bộ giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức đầu tư vào tỉnh. Sau 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, quy mô GRDP đạt hơn 133.000 tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 toàn quốc. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh ước đạt 105.137 tỷ đồng, tăng 10,04% so cùng kỳ.
Với lợi thế sẵn có, cùng những thành tựu đột phá của mình, tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao.