Tọa lạc tại phường Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) trên khu đất rộng 3,5 ha, nhà thờ tổ họ Bùi là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên đến 208 tỷ đồng do các doanh nhân Bùi Quang Ngọc, Bùi Xuân Trường, Bùi Thành Nhơn cùng hơn 40.000 người họ Bùi đóng góp.
Công trình được xây dựng để làm nơi thờ cúng tổ tiên, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của con cháu họ Bùi đang sinh sống khắp trong và ngoài nước.
Nhà thờ tổ họ Bùi có vị trí đặc biệt "lưng tựa núi, mặt nhìn sông". Khuôn viên chính của nhà thờ có diện tích 5.000 m2, khu vực vườn phía sau rộng 5.000 m2 và còn 25.000 m2 đất chưa khai thác. Đây là đất do gia đình ông Bùi Quang Ngọc (phó Chủ tịch FPT) cung tiến cho dòng họ. Trong ảnh là hòn non bộ làm bằng đá Ninh Bình ngay sau cổng chính.
Công trình này được thiết kế bởi một kiến trúc sư họ Bùi trong khoảng 4 tháng, thi công xây dựng trong 2 năm 3 tháng. Trong ảnh là nhà thờ chính gồm 2 tầng. Tầng 1 là hội trường rộng 1.000 m2, sức chứa 500 người và là nơi trưng bày các hiện vật, tranh ảnh về nhà thờ. Tầng 2 là khu vực thờ tự chính.
Tầng 2 của nhà thờ chính là khu vực thờ tự, chia thành 7 gian. Không gian này được tạo nên bởi chất liệu gỗ quý hiếm, nhiều chi tiết thếp vàng. Nơi đây cũng trưng bày các hiện vật trị giá hàng tỷ đồng.
Cột, kèo, khung cửa, vách và các chi tiết khác được làm từ gỗ lim nhập từ Campuchia, Nam Phi.
Nhà thờ có 42 cột nặng hơn một tấn, trong đó có 41 cột gỗ lim và một cột gỗ trắc. Cột gỗ trắc duy nhất tại nhà thờ tộc Bùi trị giá hơn một tỷ đồng.
Một điểm nhấn khác ở khu vực thờ tự chính là đôi lục bình cao hơn 3m, trị giá 1,8 tỷ do một nghệ nhân họ Bùi người Hải Phòng chế tác từ chất liệu quý. Đây cũng là một trong những đôi lọ lục bình cao nhất Việt Nam.
Ngoài ra, nơi đây còn có chuông, trống ở hai bên. Trong ảnh là chiếc trống sấm mang ý nghĩa tiếng trống của trời.
Không gian thờ tự chính còn được trang trí bằng 34 bức phù điêu về các danh nhân, danh tướng, phong tục tập quán, văn hóa Việt.
Khuôn viên nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam được phủ xanh bởi cây cảnh, trong đó có nhiều loại cây quý hiếm. Trong ảnh là một trong 2 cây vạn tuế được nhập từ Nhật Bản, giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Tường, các cột bên ngoài được chạm khắc trên đá nguyên khối.
Hai bên nhà thờ chính là nhà tả vu và hữu vu, mỗi nhà rộng 277m2. Nhà tả vu có chức năng là nhà truyền thống - tôn vinh các nhân vật họ Bùi vang danh từ thời phong kiến đến nay. Nhà hữu vu là nhà khách để đón tiếp khách đến tham quan, tìm hiểu công trình.
Khu vực phía sau của nhà thờ chính là Vườn danh nhân, nơi ghi nhớ công ơn của các danh tướng, danh nhân họ Bùi. Khu vườn này hiện đang trong quá trình hoàn thiện.