Khu vực phía nam dưới chân cầu Hồng Hà là phần đê bãi Tiên Tân. Bên trong đê là nơi ở của hàng nghìn hộ dân với nhiều khu vực có ao, hồ bao quanh, đình chùa sát chân đê.
Dự kiến tuyến đường dẫn lên cầu Hồng Hà là đường Tiên Tân. Khu vực này nằm trên trục đường vành đai 4 được định hướng quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp.
Cầu Thượng Cát nối với vành đai 3,5, bắc ngang qua khu dân cư Liên Mạc - Thượng Cát (Bắc Từ Liêm). Vị trí phía bắc của cầu dự kiến nối thẳng đến gần khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh).
Ở khu vực chân cầu, Hà Nội dự kiến xây dựng tổ hợp công trình công cộng tài chính, dịch vụ thương mại. Cây cầu này có kinh phí xây dựng khoảng 6.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn dự kiến là 4,5 km.
Trong quy hoạch phân khu sông Hồng, cầu Thăng Long cũng được Hà Nội dự kiến nghiên cứu, xây bổ sung thêm cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, vị trí ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại. Cầu hiện có 2 tầng, quy mô 4 làn tầng trên dành cho ôtô và hai làn tầng dưới dành cho xe thô sơ.
Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng đoạn Tây Hồ sang khu vực huyện Đông Anh. Điểm đầu của dự án nằm ở điểm giao cầu Nghi Tàm, điểm cuối đi qua nút giao thông Quốc lộ 5 kéo dài với tổng chiều dài tính theo tuyến thẳng là 4.84km. Phương án thiết kế cầu này được dự tính là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng.
Nối tiếp cầu Tứ Liên là cầu Trần Hưng Đạo, công trình đang được lấy ý tưởng thiết kế thông qua một cuộc thi do Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội tổ chức. Theo vị trí được quy hoạch, cầu Trần Hưng Đạo kết nối 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên với kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, chiều dài và đường dẫn khoảng 6 km.
Vị trí chân cầu Trần Hưng Đạo nằm ở khu dân cư tại Thạch Cầu (quận Long Biên). Ông Nguyễn Ngọc Huy, người dân sống tại khu vực này cho biết có nghe về dự án xây cầu tại đây. Ông đang chờ đợi dự án được triển khai và đi vào vận hành để di chuyển dễ dàng từ ngoại thành vào khu vực trung tâm Hà Nội.
Trong số 8 cây cầu bắc qua sông Hồng được xây mới, chỉ có cầu Vĩnh Tuy 2 đang ở trong giai đoạn thi công. Đây là dự án giao thông trọng điểm kết nối hai bờ sông Hồng tại cửa ngõ phía đông nam Hà Nội. Cầu có chiều dài và đường dẫn khoảng 3,473 km; mặt cắt ngang cầu 19,25 m. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Cầu Ngọc Hồi được quy hoạch nối tiếp đường vành đai 3.5, đồng thời kết nối hai huyện Thanh Trì và Gia Lâm của Hà Nội, bắc ngang qua bãi đất Hoàng Mai - Thanh Trì 1 và Kim Lan - Văn Đức. Dự án cầu Ngọc Hồi có chiều rộng 80m với 6 làn xe chạy chính, ở giữa là dải phân cách 2m và hai bên là đường gom rộng 21m, mỗi bên vỉa hè 8m. Khi đi vào hoạt động, cầu được kì vọng sẽ giải quyết tình trạng giao thông quá tải, hỗn loạn ở cầu Thanh Trì, tạo nên những cung đường rộng rãi, thoáng đãng cho các phương tiện lưu thông.
Hiện tại, người dân trong khu vực này muốn qua lại 2 bên bờ sông phải đi đò hoặc phà tại bến đò Văn Đức (nằm gần vị trí xây cầu Ngọc Hồi sau này), hoặc di chuyển thêm khoảng 10 km để đến cầu Thanh Trì.
Điểm cuối của phân khu đô thị sông Hồng là cầu Mễ Sở nối huyện Thường Tín (Hà Nội) và huyện Văn Giang (Hưng Yên). Cầu dự kiến có kinh phí đầu tư khoảng trên 4.800 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn 13,8 km. Cùng với cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở sẽ được thiết kế để tuyến đường sắt vành đai Hà Nội chạy qua.
Theo thiết kế cầu Mễ Sở khi xây dựng trên địa bàn Hà Nội sẽ nằm gần với khu vực cảng Hồng Vân, trạm bơm Hồng Vân ở đê Hữu Hồng và bến phà Mễ Sở.
Hiện, người dân đi từ Hà Nội về một số địa phận thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) thường đi qua bến phà Mễ Sở để rút ngắn đường đi.