Đến thời điểm này, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có 1.500 hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, thuộc vùng ngọt hóa với diện tích gần 540 ha. Thực trạng phá vườn dừa, đào ao trên ruộng lúa để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng diễn ra nhiều ở các xã Thạnh Trị, Phú Long, Phú Vang, Thới Lai, Vang Quới Đông…
Nông dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đào ao nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa.
Ông Nguyễn Văn Bịt, ở xã Thới Lai, huyện Bình Đại cho biết, gia đình ông đào ao trên ruộng lúa để nuôi tôm nay đã hơn 10 năm. Mấy năm đầu, tôm trúng, giá cao có lãi. Năm nay, tôm sụt giá, gia đình ông bị thua lỗ nặng: “Ao này đào đã được hơn 10 năm. Nếu nuôi tôm được giá thì giàu to. Ao nuôi tôm này nếu trúng giá cũng thu được vài trăm triệu, còn không được giá thì lỗ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Năm nay, giá thấp, một kg tôm chỉ có mấy chục nghìn”.
Tôm biển tuy hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn lớn, thông thạo kỹ thuật chăm sóc. Trong khi đó, loài thủy sản này hay bị rủi ro, dịch bệnh. Thực tế cho thấy, có nhiều hộ dân khá lên từ con tôm và cũng ôm nợ vì nó. Hơn nữa, nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, nuôi trong vùng đã ngọt hóa sẽ làm lan truyền nguồn nước mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Đặc biệt, nước mặn từ ao tôm còn đe dọa dòng sông Ba Lai- hồ chứa nước ngọt cho hàng chục nghìn hộ dân ở các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre.
Tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại đến nay đã có 145 ha ao tôm biển của gần 300 hộ dân nuôi trong vùng ngọt hóa. Để nuôi tôm, người dân còn lén lút khoan giếng lấy nước mặn, bơm vào ao nuôi ở độ mặn đến 7-8/1000. Nguồn nước này rò rỉ ra kênh nội đồng hay ruộng lúa lân cận thì gây hậu quả khôn lường.
Những thửa ruộng ngày nào ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại nay là những ao tôm thẻ chân trắng |
Dù chính quyền, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng tình trạng khoan giếng, đào ao nuôi tôm biển ngoài vùng quy hoạch vẫn tràn lan. Bà Huỳnh Thị Linh, Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Trị cho rằng: “Trước đây, UBND xã thành lập 2 tổ đi xử lý cũng đã dập được một số giếng khoan của người dân. Sau đó, người dân tái sử dụng mà họ làm rất kín, khó phát hiện. Địa phương chủ yếu là tuyên truyền vận động chứ chưa xử lý được vấn đề này. Hiện nay, UBND xã tiếp tục duy trì 2 tổ này để đi khảo sát để xem các hộ khoan giếng và đào ao mới. Địa phương đề nghị UBND tỉnh đưa ra kết luận chính thức là nuôi tôm được hay không hoặc là tiếp tục chuyển đổi”. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua, các ngành chức năng huyện Bình Đại đã tiến hành kiểm tra và thực hiện lấp các giếng khoan nước mặn, buộc các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, trong vùng ngọt hóa ký cam kết. Tuy nhiên, các hộ nuôi vẫn lén lút cải tạo hoặc khoan giếng mới ở nơi kín đáo, thậm chí khoan giếng trong nhà để lấy nước tiếp tục nuôi tôm.
Ông Võ Trần Quốc Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại cho biết, nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa không bền vững, hay bị dịch bệnh. Minh chứng như vụ tôm biển năm nay, giá thấp, đa số người nuôi thua lỗ. Do đó, phía huyện sẽ tiếp tục có biện pháp cương quyết, xử lý triệt để đối với hộ tiếp tục đào ao, khoan giếng nuôi tôm biển trái phép.
Thực tế cho thấy, việc đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa như ở tỉnh Bến Tre hiệu quả và tính bền vững không cao. Về lâu dài, mô hình này còn ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước ngọt, sẽ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa. Do đó, không vì lợi ích trước mắt của một bộ phận người dân, các cấp chính quyền, ngành chức năng ở tỉnh Bến Tre cần có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này./.
Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao hiệu quả tăng gấp 2 lần VOV.VN - Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao năng suất cao gấp 2 – 3 lần so với nuôi tôm thâm canh trên ao đất và có thể nuôi được 4 vụ/năm.