Thế nên, dù kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng ấn tượng nhưng không tương đồng với hiệu quả kinh doanh, có DN phải chịu lỗ để duy trì hoạt động.
Theo phản ánh từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), so với cùng kỳ năm ngoái, giá cước tàu biển 2 tuyến trọng điểm là Mỹ và châu Âu (EU) đã tăng gấp 5-10 lần. Không chỉ chịu tổn thất do giá cước tăng mạnh, DN còn gặp tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng dẫn đến việc hoãn chuyến liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, nhất là các đơn hàng phải giao đúng kế hoạch để được hưởng ưu đãi thuế quan trong hạn ngạch.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, lượng container qua các cảng Việt Nam năm 2020 tăng 10,6% so với năm 2019. Còn 5 tháng đầu năm 2021, lượng container qua các cảng Việt Nam cũng tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, container rỗng không thiếu như lý do các hãng tàu đưa ra mà chỉ là cái cớ để các hãng tàu tăng giá cước với các DN.
Trước tình trạng đặt chỗ vận chuyển qua đại lý với giá cao thì dễ hơn đặt chỗ trực tiếp qua hãng tàu theo giá niêm yết, DN đặt nghi vấn có tình trạng các đại lý của hãng tàu "găm" container rỗng và chỗ trên tàu để bán lại giá cao cho DN. Nghi vấn này còn có cơ sở là giá dầu (chi phí lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng tàu) đang thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, việc các hãng tàu đẩy giá cước lên cao hết sức vô lý.
Theo phản ánh từ VPA, một bất cập khác là cước vận chuyển tàu biển của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ sang Mỹ và EU lại không tăng cao như từ Việt Nam. Thời gian gần đây, khách hàng Mỹ và EU đã chuyển hướng mua hồ tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với Việt Nam, quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
"Điều này khiến cho ngành hồ tiêu Việt Nam mất khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU. Cứ tiếp tục như vậy, nông sản Việt Nam sẽ đi về đâu? Nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh đang hết sức cấp bách" - VPA lo lắng.
Từ những điều phi lý trên, cộng đồng DN đã có văn bản kiến nghị các cơ quan quản lý vào cuộc để các hãng tàu không lạm dụng tình hình đẩy giá vận chuyển, gây thêm khó khăn cho DN. Trước mắt, các chuyên gia cho rằng các hiệp hội ngành hàng cần liên kết lại để có thể đàm phán với các hãng tàu, thay vì phản ứng riêng lẻ.
DN cần tính toán để có các hợp đồng xuất khẩu dài hạn thay thế các hợp đồng nhỏ lẻ để có được chính sách giá tốt từ hãng tàu hoặc chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giao hàng tại cảng Việt Nam) để bên mua, thường là những nhà nhập khẩu lớn, lo về vận chuyển.