Những nỗ lực này sẽ đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội mới nhất là trong việc đón đầu xu hướng đầu tư và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chúng ta không nên ngồi chờ sự dịch chuyển các dòng vốn mà cần sự chủ động trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư chất lượng cao.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20-4, thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, chỉ bằng 34,7% so với 2019.
Về sự sụt giảm này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đại dịch COVID-19 đang làm giảm sút tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay công cuộc kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây được xem là lực kéo quan trọng giúp kéo nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch. Thành công trong phòng chống dịch COVID -19 cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong lúc khó khăn đối với các doanh nghiệp cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam luôn là một điểm đến an toàn được các nhà đầu tư lựa chọn.
Cùng với niềm tin trên, bà Shirakawa Satoko, Phụ trách khối doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia sử dụng tiếng Anh, Công ty KIZUNA cho rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sau khi dịch COVID-19 kết thúc, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất tối thiểu và nhanh chóng mở cửa biên giới. Việt Nam là điểm đến an toàn hơn trong lúc này, sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam.Hiện, "Chính phủ Việt Nam đã ban hành các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc làm này của Chính phủ đã làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ thấy không bị bỏ rơi lúc khó khăn. Sau đại dịch, khi lòng tin vào Việt Nam đã tăng lên, khi việc đi lại của các nhà đầu tư không bị hạn chế, các kế hoạch đầu tư tạm hoãn sẽ được khởi động trở lại… các nhà đầu tư dù có thận trọng hơn trong lựa chọn địa điểm đầu tư an toàn, nhưng họ sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn nhất", TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hết sức hoan nghênh các biện pháp được Chính phủ Việt Nam đưa ra, những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các công ty và công nhân vượt qua thời gian khó khăn. EuroCham cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc duy trì nền tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, và các thành viên của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ những khuyến nghị để giúp giảm thiểu sự gián đoạn của dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh, và trên hết để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân.
Điều đó cho thấy, những tháng đầu năm 2020, mặc dù đối mặt với dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, tuy nhiên, Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn FDI bởi: Chính trị - xã hội ổn định, kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng dương.
Đặc biệt, các FTA lớn mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA... sẽ là động lực hết sức quan trọng, mở ra cơ hội lớn trong thu hút FDI cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại trong việc trong việc phát triển doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy tính liên kết và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế trong xuất khẩu.
Để có thể tận dụng cơ hội, biến khó khăn trở thành bệ đỡ trong thu hút FDI, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thu hút đầu tư FDI không thể thụ động ngồi chờ nhà đầu tư tới mà phải chủ động, lựa chọn nhà đầu tư tương lai ngay từ ban đầu, đón nhận dòng vốn đầu tư chất lượng cao.