Trong đó, mặt hàng tôm tiến tới mục tiêu 4,8 tỷ USD, tăng 26%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 10% và các mặt hàng hải sản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước. Tôm được xác định là mặt hàng chủ đạo của nhóm hàng thủy sản XK của Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới, với cơ cấu chiếm 45-75% tổng kim ngạch XK thủy sản.
Ngoài những lợi thế Việt Nam đã xây dựng được như có sản lượng, có tôm sinh thái, hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ chế biến hiện đại…, hai vấn đề là lây nhiễm kháng sinh và tạp chất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, XK tôm.
Điều này đã khiến cộng đồng DN phải gia tăng hơn nhiều các hoạt động kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng theo chuỗi, tại nguồn và thành phẩm khiến chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, hạn chế nhiều nguồn hàng để đảm bảo giữ uy tín hàng hóa và niềm tin của khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, thời gian qua, ngành tôm Việt Nam và toàn thế giới khá thuận lợi, đặc biệt là trong vụ nuôi. Tuy nhiên, do các nước sản xuất thành công, nguồn cung lớn ảnh hưởng tới giá cả thị trường.
Từ nay đến cuối năm, đánh giá chung của các chuyên gia về thị trường quốc tế cũng như thị trường Việt Nam có thể thấy, trong tháng tới tôm sẽ có tín hiệu tăng giá trở lại.
“Năm nay, với sự quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN&PTNT, sản xuất, XK tôm nhất định đạt, thậm chí vượt kế hoạch đề ra. Thời gian tới, cần nhận diện, tổ chức và tái cơ cấu lại sản xuất nhằm ổn định sản xuất cho tôm”, ông Nguyễn Hoàng Anh nêu kiến nghị.