Ngày 4/1, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính tổ chức hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023. Hội thảo dành riêng phiên chuyên đề về thị trường xăng dầu Việt Nam với nhiều dự báo về thị trường năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, năm 2022 việc điều hành xăng dầu còn lúng túng, bị động, một số thời điểm chưa theo thị trường. Ông Phú đề xuất, năm 2023, các bộ ngành cần sớm đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021 về quản lý xăng dầu theo hướng tập trung đầu mối để tiện lợi trong việc điều chỉnh giá bán.
“Năm 2022 xảy ra tình trạng khi cần điều chỉnh cách tính giá xăng dầu , Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhiều lần chờ đợi ý kiến giữa 2 bên. Tôi đề xuất đưa xăng dầu về đầu mối Bộ Công Thương quản lý và lãnh đạo Bộ Tài chính cũng từng đề xuất như vậy. Chúng ta cần có một nhạc trưởng chỉ huy giá xăng dầu, tập trung về một đầu mối mới có thể điều hành nhanh chóng. Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu của Việt Nam mới đạt 5-7 ngày, cần phải tăng dự trữ xăng dầu nhiều hơn và xác định đây là mặt hàng dự trữ quan trọng thứ 2 chỉ sau lúa gạo”, ông Phú kiến nghị.
Các chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt bất cập trong điều hành giá xăng dầu hiện nay. Chuyên gia Phạm Minh Tâm - Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá, qua một năm triển khai Nghị định số 95 và bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động rất mạnh đã bộc lộ bất cập. Trong đó, quy định “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 20 ngày cung ứng” chưa phù hợp.
Bà Tâm kiến nghị nâng thời gian dự trữ xăng dầu lên 30 ngày. Vị chuyên gia cũng cho rằng, quy định về cách tính giá cơ sở khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95 chưa hợp lý và kiến nghị sửa Nghị định 95 theo hướng giá cơ sở tính từ “giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá của 20 ngày trước kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu giao dịch trên thị trường quốc tế.
Đề xuất sửa nhiều quy định trong điều chỉnh giá xăng dầu (Ảnh minh hoạ).
Bà Vũ Thị Đào - Viện Kinh tế Tài chính - chỉ ra bất cập trong quản lý giá xăng dầu như: Cơ chế xác định giá cơ sở lạc hậu, quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động chưa hiệu quả, thời gian điều hành thiếu linh hoạt và chính sách tín dụng cho kinh doanh xăng dầu còn hạn chế. Theo bà Đào, cần rà soát lại cơ chế tính giá cơ sở xăng dầu định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Đảm bảo tính đúng, tính đủ và cập nhật thường xuyên chi phí, lợi nhuận.
“ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên tập trung tại Ngân hàng Nhà nước để dễ quản lý, không nên phân tán tại doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như hiện nay và cần áp dụng mức lãi suất qua đêm cho quỹ này”, bà Đào cho biết và kiến nghị sửa đổi quy định, chuyên gia cũng đưa ra dự báo về kịch bản giá xăng dầu thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Minh Anh từ Đại học Bryan (Hoa Kỳ) dự báo 3 kịch bản cho giá xăng dầu thế giới và hàm ý chính sách với Việt Nam.
Kịch bản 1 , giá dầu thô ổn định ở mức 60 USD/thùng, Việt Nam cần khai thác giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Kịch bản 2 , giá dầu thô dưới 60 USD/thùng, Việt Nam nên tăng tích trữ xăng dầu bằng cách đầu tư xây bể chứa dầu quy mô lớn. Đồng thời tranh thủ cơ hội nhập khẩu lượng dầu lớn nhằm tăng dự trữ dầu mỏ quốc gia lên 6-9 tháng hoặc dài hơn để sẵn sàng ứng phó biến động.
Kịch bản 3 , giá dầu thô vượt 60 USD/thùng hoặc tăng tới 100 USD/thùng, Việt Nam cần chuyển đổi cơ bản cơ cấu năng lượng và tăng công suất sản xuất dầu để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, đi lại sử dụng dầu làm nhiên liệu có thể thay thế bằng điện, năng lượng tái tạo khác. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.