UBND Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 giao cho HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, để có cơ sở triển khai thực hiện sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành thì Thành phố cần phải bổ sung quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 33 của Luật Thủ đô là rất cần thiết.
UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024, Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 07/8/2024, Quyết định số 4582/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô đến từng đơn vị sở, ban, ngành, trong đó có nội dung về xây dựng Nghị quyết nêu trên.
Về cơ sở chính trị, pháp lý, tờ trình dự thảo Nghị quyết cho biết căn cứ vào: Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020.
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020.
Căn cứ Luật Thủ đô ngày 28/6/2024.
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024).
Đáng chú ý, trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thành phố Hà Nội dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nếu thông qua, Nghị quyết sẽ được áp dụng từ tháng 7/2025.
Về cơ sở thực tiễn, Tờ trình dự thảo Nghị quyết cho rằng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước, có diện tích 3.359,82 km với dân số khoảng 8,5 triệu người, là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, cơ quan Ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông vận tải đa dạng, phức tạp với đầy đủ các loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không.
Kéo theo sự phát triển đa dạng về các loại hình giao thông vận tải, kèm theo đó là nhiều thành phần, đối tượng tham gia giao thông và chủng loại phương tiện tham gia giao thông với mật độ cao thường xuyên liên tục hàng ngày tạo nên sự đa dạng và phức tạp về trật tự giao thông trên địa bàn Thành phố, khác biệt hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên về công tác thi hành pháp luật đặc biệt là trong công tác xửlý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thành phố vẫn áp dụng tương tự như các địa phương, cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của Thủ đô.
Ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tham gia giao thông theo ý thức chủ quan (ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém), tình trạng người vì phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vì vi phạm nhất định (không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ sai quy định...).
Do sự đa dạng về thành phần tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông luôn ở con số cao. Năm 2023 xảy ra 1248 vụ, làm 710 người chết, 823 người bị thương (so với cùng kì giảm 144 vụ = 10,34%, giảm 39 người chết = 5,21%, giảm 43 người bị thương = 4,97%); năm 2024 xảy ra 1.501 vụ, làm 700 người chết, 1.221 người bị thương (so với cùng kì năm 2023 tăng 253 vụ = 20,27%, giảm 10 người chết = 1,41%, tăng 398 người bị thương = 48,36%). Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện mô tô, gắn máy chiếm khoảng 61,96% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra; các lỗi chiếm tỷ lệ cao gồm: không chú ý quan sát (tỷ lệ 21.01%), lưu thông không đúng phần đường quy định (tỷ lệ 7,47%), chuyển hướng không đảm bảo an toàn (tỷ lệ 2,67%).
Tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông năm sau so với năm trước khoảng 2-4% (năm 2021: 7.531.839 phương tiện; năm 2022: 7.812.921 phương tiện, năm 2023: 8.027.052 phương tiện, năm 2024: 8.168.927); tổng số phương tiện được đăng ký mới hằng năm có giảm nhưng vẫn ở mức cao (năm 2021: 239.045 phương tiện; năm 2022: 307.764 phương tiện, năm 2023: 230.998 phương tiện, năm 2024: 149.289).
Tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra vào khung giờ cao điểm (sáng, chiều), đặc biệt là trên các tuyến đường xuyên tâm, trục chính ra vào Thành phố; việc mở rộng các tuyến đường và đẩy mạnh hệ thống vận tải hành khách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, chủ yếu vẫn là phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, một số vụ ùn ứ giao thông nguyên nhân do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như tránh vượt, không nhường quyền ưu tiên, dừng, đỗ sai quy định, đón, trả khách không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông...
Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông và gây tâm lý bất an cho người dân, người tham gia giao thông tại các khu vực xảy ra tình trạng này. Trong năm 2023, tỉnh hình tội phạm đường phố nhất là tình trạng các nhóm đông thanh thiếu niên tụ tập chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, lạng lách đánh võng hoặc mang theo hung khí (dao, kiếm, súng tự chế...) đuổi đánh nhau trên đường phố, gây rối trật tự công cộng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 83 vụ gây rối trật tự công cộng do các nhóm đối tượng điều khiển xe mô tô chạy thành đoàn với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khỉ đuổi đánh nhau trên đường phố (tăng 34 vụ = 69,4% so với năm 2022). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị trong CATP đã phát hiện 54 vụ gây rối trật tự công cộng do nhóm đông đối tượng điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, mang theo hung khí, vũ khỉ đuổi đánh nhau, tăng 02 vụ = 3,85% so với 6 tháng đầu năm 2023 và tăng 07 vụ = 14,6% so với 6 tháng cuối năm 2023.