Đề xuất giảm 4 loại thuế và tiền chậm nộp, tổng giá trị giảm khoảng 20.000 tỷ đồng như sau: Thứ nhất, trong Dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021, áp dụng với DN có tổng doanh thu năm nay không quá 200 tỷ đồng. Thứ hai, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3, 4/2021 với hộ, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Thứ ba, giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2021, áp dụng với DN, tổ chức hoạt động trong một số ngành dịch vụ (gồm vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ), lưu trú và ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tua (tour) và các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí).
Thứ tư, miễn tiền chậm nộp (cả thuế và tiền thuê đất) phát sinh trong năm 2020, 2021 với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 (không xử lý với trường hợp đã nộp tiền chậm nộp). Dự kiến khoản này giảm khoảng 2.700 tỷ đồng.
Nên tập trung giảm thuế giá trị gia tăng
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại (ĐH Luật TPHCM) cho rằng, với nhóm đối tượng lĩnh vực ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh như du lịch, lưu trú, vận tải, khách cần giảm thuế ở mức cao hơn mức Bộ Tài chính đề xuất. Ông Nam kiến nghị, mức giảm cho nhóm này nên là 50% thuế thu nhập DN, 50% thuế VAT, vì cơ bản DN lĩnh vực này đang dừng hoạt động. Phần thuế phải nộp còn lại trong năm cũng được hoãn sang năm sau, xem như khoản vay ưu đãi phục hồi sản xuất, vừa không đẩy DN vào thế nợ thuế để họ vẫn được tiếp cận các gói vay ưu đãi từ Nhà nước (như vay trả lương cho người lao động).
Với nhóm DN thuộc ngành nghề khác, chuyên gia trên đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN và thuế VAT phải nộp của năm 2021. Tăng mức giảm thuế VAT vì đây là thuế gián thu, góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ tiêu dùng với người dân đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Chưa kể, các DN đang gánh nhiều khoản chi phí liên quan tới phòng chống dịch, chi phí lưu thông hàng hóa tăng cao...
Với hộ và cá nhân kinh doanh, ông Nam đề xuất giảm 50% số thuế phát sinh phải nộp trong cả năm (thay vì chỉ giảm với số thuế phát sinh 6 tháng cuối năm như đề xuất của Bộ Tài chính). Do những chủ thể này dễ bị tổn thương vì dịch bệnh, khả năng tích lũy thấp, cần tạo điều kiện để vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN chỉ có tác dụng nếu DN có lãi, còn DN thua lỗ thì họ đã không phải nộp loại thuế này, nên chưa hẳn chính sách có tác dụng với DN khó khăn. Trong khi với thuế VAT, dù khó khăn, thua lỗ, hễ phát sinh doanh thu (tức là đang hoạt động) là phải nộp thuế. Bà Cúc đề xuất Bộ Tài chính nên tập trung giảm thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn và thiết thực hơn cho nhiều DN đang gặp khó khăn, nỗ lực duy trì hoạt động, có thể là giảm 50% thay vì 30% như bộ đề xuất.
Cần giảm cả tiền thuê đất
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Nhà nước cần xem xét miễn, giảm tiền thuê đất đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú; đồng thời giảm luôn đối với DN trong khu vực buộc phải dừng sản xuất để phòng chống dịch (có quyết định phải dừng hoạt động của cơ quan chức năng).
TS Phan Phương Nam cũng cho rằng, Nhà nước nên xem xét giảm tiền thuê đất với các DN, tổ chức kinh doanh trong khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa nên phải dừng kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể điều chỉnh các sắc thuế tính trên xăng, dầu (như thuế môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...), vì đây là đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. “Việc giảm thuế trên sẽ làm giảm thu ngân sách và kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công. Do đó, Quốc hội có thể sắp xếp lại ngân sách để tạm hoãn thực hiện một số dự án đầu tư công chưa thật cấp thiết”, ông Nam nói.