Nhu cầu nhân sự du lịch đang tăng cao, đặc biệt khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3. Khó tuyển dụng, có công ty du lịch chỉ còn 3-4 người, sếp cũng bán sản phẩm, điều hành tour,... làm mọi việc như nhân viên.
CEO kiêm nhân viên
Giám đốc một công ty du lịch trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa - Hà Nội), than thở, vừa qua công ty tuyển dụng nhân sự, phỏng vấn hơn chục người mới tuyển được 2. Đến nay, cả công ty chỉ có 4 nhân viên, trong đó giám đốc là bà và một phó, cùng hai nhân viên mới.
“Qua đợt dịch Covid-19 thứ tư, những tưởng du lịch sẽ phục hồi nhưng lại đến biến thể Omicron. Nhân sự du lịch 70-80% chuyển nghề khác, giờ như chim sợ cành cong, lại lo ngại dịch bùng nổ thì mọi nỗ lực trở lại nghề gần như đổ xuống sông xuống bể”, bà nói.
Vị CEO này cho hay, giờ bà vừa làm nghề tay trái (bán hàng online) vừa lo giữ nghề chính nên đích thân phải đứng ra bán sản phẩm, điều hành tour, sắp xếp chương trình du lịch cho khách. “Có lúc khách nhờ tư vấn xem Sa Pa có những khách sạn nào đẹp, nổi tiếng mà tôi đứng hình, phải xin phép để ngồi một lúc mới nghĩ ra vì ‘bị treo máy’, chưa kể lâu nay công việc này đều do nhân viên làm”, bà kể.
Nhân sự du lịch tan tác sau hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19 (ảnh minh họa) |
Chuyện CEO du lịch bị giảm lương, phải làm thêm việc như nhân viên là bình thường. Bà cũng tiết lộ, thời điểm dịch bệnh, giám đốc Kinh doanh một tập đoàn du lịch lớn lương giảm 1/2, chỉ còn 30-35 triệu đồng/tháng. Giờ khách bắt đầu hồi phục nhưng vẫn đang trong giai đoạn khởi động, lại là mùa thấp điếm nên khách chưa đều. Nhân sự không có, tuyển cũng khó, lãnh đạo cũng phải làm việc như nhân viên.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Giám đốc Công ty Vina Phú Quốc Travel, nhận xét, nhu cầu tuyển dụng nhân sự du lịch, khách sạn cũng như tại điểm tham quan, vận chuyển, nhà hàng,... đang rất cao. Đặc biệt, tại một số điểm đến “hot” như Phú Quốc, Nha Trang... việc tuyển dụng diễn ra ồ ạt vì nhân sự là yếu tố tiên quyết quyết định DN du lịch có hồi phục hay không.
Như tại công ty ông hồi cuối tháng 12/2021 cũng tuyển dụng, đợt đầu với 60 nhân sự, trong đó 55 người phòng kinh doanh, còn lại 5-10 người phòng điều hành. Ông thừa nhận, thực sự việc tuyển dụng quá khó khăn, nhân lực kinh nghiệm thiếu hụt vô cùng. Sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều người đã chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều nhân sự nằm trong địa phương có dịch cũng không quay trở lại được. Bản thân họ cũng thiếu động lực để quay trở lại nghề.
Do đó, công ty tuyển chủ yếu sinh viên mới ra trường, đào tạo liên tục, việc đáp ứng hay không cần chờ qua thời gian thử việc.
Asia Exotica Vietnam - một DN inbound chuyên đón khách Tây Âu và Nam Mỹ, cũng đang đăng tuyển nhiều vị trí như giám đốc bán hàng toàn cầu; nhân viên kinh doanh tiếng Anh, tiếng Ý, Bồ Đào Nha; điều hành tour,... CEO Bùi Băng Giang đánh giá, quá trình tuyển dụng không hề dễ dàng. Sau đại dịch, nhiều nhân viên có tâm lý kỳ vọng sẽ tìm được công việc tốt, lương cao. Còn thực tế, với khách quốc tế, nếu may mắn, trong năm 2022 lượng khách mới bằng 30% của năm 2019. Tuy vậy, công ty vẫn quyết định tuyển đủ bộ máy để chuẩn bị cho sự mở cửa trở lại.
Sau Tết, nhiều khách sạn, resort lớn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao |
Nhu cầu cao, tuyển dụng khó
Đại diện một khách sạn tại Hội An (Quảng Nam), chia sẻ, nhu cầu nhân sự ban đầu là 400 người nhưng khách sạn chỉ có 150 người đang làm việc chính thức. Khi khách sạn tăng quy mô hoạt động, công suất từ 30-50% thì nhu cầu nhân sự sẽ tăng gấp đôi, từ 250-300 người. Do đó, việc tuyển dụng là yêu cầu cấp thiết đặt ra thời gian tới.
Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc công ty Santa (đơn vị vận hành nền tảng hoteljob.vn), cho biết, từ đầu tháng 12/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành khách sạn tăng mạnh. Nhiều khách sạn, resort lớn ký lại hợp đồng tuyển dụng nhân sự với công ty để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế từ 15/3 và dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới. Chẳng hạn, một resort lớn ở Cát Bà đang đăng 150 tin tuyển nhân sự, với hàng trăm nhân sự ở các vị trí khác nhau.
Theo ông Việt, thống kê trên trang web mà công ty ông quản lý cho thấy, có 138 tin đăng tuyển vị trí quản lý điều hành; 480 tin tuyển nhân viên sale marketing; 600 tin tuyển lễ tân, thu ngân; gần 1.000 tin tuyển nhân viên ẩm thực, bar,…
Đặc biệt, các địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao là TP.HCM với gần 1.500 tin đăng tuyển, Hà Nội 1.000 tin, Phú Quốc (Kiên Giang) 650 tin, Bà Rịa - Vũng Tàu 416 tin, Đà Nẵng 436 tin,… Số lượng ứng viên nộp hồ sơ lên tới hơn 1.000, thay vì chỉ 400-500 hồ sơ như trước Tết.
Nhu cầu tìm tuyển dụng tăng cao khi hơn 1.000 hồ sơ ứng viên muốn tìm việc (nguồn hoteljob.vn) |
Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn vô cùng vất vả. Vị CEO công ty du lịch trên cho biết, nếu tuyển người ngoại đạo phải mất công đào tạo, còn người có kinh nghiệm, nhân viên cũ lại chỉ quan tâm đến lương. Mức lương trước đây công ty trả 20-30 triệu chưa kể thưởng, giờ chỉ trên dưới 10 triệu do DN đã yếu ớt sau dịch bệnh và đang trong thời gian khởi động, khách quốc tế chưa có, khách nội địa cũng có nhưng chỉ đông vào cuối tuần. Chưa kể, cả với nhân sự du lịch chỉ nghỉ 1 năm là quên hết.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy chia sẻ, may mắn công ty tuyển được nhân sự nhưng một số phải đào tạo lại.
"Có nhân sự có kỹ năng làm việc nhưng sau một thời gian mai một, thiếu cảm giác, thiếu động lực, năng lượng làm việc. Do đó, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chỉ là một phần, không phải quan trọng nhất, mà cần đào tạo về tư duy, nhận thức về công việc thời đại này. Đặc biệt, đào tạo về động lực, tạo đòn bẩy để kích nhân sự ham mê và yêu nghề trở lại - yếu tố quyết định nhân sự có sớm hòa nhập và tạo ra nhiều giá trị cho DN hay không”, ông nhận xét.
Về mức lương, tất cả phụ thuộc vào thị trường. CEO của Vina Phú Quốc Travel cho rằng, thời điểm hiện tại, nhân sự không nên đòi hỏi quá nhiều mà cần sự hài hòa giữa hai bên. Chỉ khi thị trường phục hồi mạnh mẽ, DN đón được lượng khách lớn thì mức lương, thu nhập của nhân viên mới tốt lên được.
Theo ông Lê Quốc Việt, hiện tại các DN du lịch có thể thấy vấn đề nhân sự chưa căng thẳng, nhưng việc tuyển dụng ồ ạt trở lại sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Đây là điều dễ hiểu khi 60-70% nhân sự du lịch đã chuyển hẳn sang làm nghề khác. Việc tuyển dụng, dự báo sẽ không hề dễ dàng với các DN lữ hành, khách sạn.
Không quá lo về vấn đề đứt gãy nhân sự Tại tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" ngày 18/2, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt, cho rằng không nên quá lo lắng trước sự đứt gãy và thiếu nhân lực. Ông lý giải, sự phục hồi của ngành du lịch diễn ra từ từ chứ không phải bùng nổ ngay trong một lúc. Khi du lịch dần hồi phục, các địa phương và DN sẽ dần phát triển được nhân sự. Ông cũng phân tích, không thể chỉ lấy hình ảnh quá tải mấy ngày Tết Nguyên đán để đánh giá ngành du lịch đang thiếu nhân lực trầm trọng. Nhiều công ty lữ hành, khách sạn đều đang trong trạng thái cầm chừng vì chưa nhìn thấy sự mở cửa du lịch. Khi bắt đầu nằm bắt được tiềm năng từ việc mở cửa, họ sẽ khởi động bộ máy. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh, hơn 2,5 triệu lao động ngành du lịch phân tán nặng nề trong dịch, phải chuyển ngành. Nay nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực phục vụ. "Đây là phép thử cho DN trong quá trình phục hồi", ông Khánh nói. |
Hà Yên