Cùng lúc cả hai cú sốc này tác động ngay lập tức với mức độ lớn chưa từng có và không biết kéo dài bao lâu đến doanh thu của hàng loạt DN có liên quan như hàng không, du lịch, vận chuyển... Đáng lo ngại nhất trong số này là các DN vừa và nhỏ.
Do bị tác động ngay lập tức nên chính sách miễn giảm thuế cho các đối tượng này cũng phải đến ngay tức thì, không được chậm trễ. Ngay cả trong điều kiện bình thường, giới làm ăn vẫn thường hay ví von "tiền mặt là vua". Trong bối cảnh bất định của dịch Covid-19, tiền mặt còn hơn cả vua mà là "ôxy" để DN thở qua ngày. Miễn giảm thuế chính là cung cấp thêm dòng tiền, một loại "ôxy" cần thiết để các DN hoạt động cầm chừng trước khi nghĩ đến tình thế xấu nhất.
Các cú sốc cung và cầu cùng một lúc đã làm cho các DN vừa và nhỏ, người kinh doanh nhỏ lẻ bị lên huyết áp mạnh. Lúc này, họ đang choáng váng, nếu thiếu "ôxy", thì chắc chắn sẽ gục ngã hàng loạt. Chúng ta thật không thể tưởng tượng hệ lụy sẽ thế nào nếu viễn cảnh này thành hiện thực. Vì vậy ngay lúc này, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp chưa có tiền lệ để hỗ trợ các đối tượng kinh doanh bị tổn thương trực tiếp từ đại dịch. Chính phủ đã áp dụng các biện pháp chưa có tiền lệ chống dịch thành công giai đoạn 1, chẳng lẽ ngành thuế không tạo ra được các giải pháp chưa có tiền lệ hỗ trợ DN trong lúc khó khăn?
Tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP HCM) kinh doanh ế ẩm vì dịch Covid-19. Ảnh: Tấn Thạnh
Giờ phút này mà buộc các DN phải làm thủ tục, xác minh nhiêu khê để được miễn giảm thuế là không kịp thời nữa rồi. Thời đại công nghệ 4.0, liệu ngành thuế có thể hậu kiểm được không? Trước mắt có thể miễn, giảm thuế ngay cho các ngành nghề đã bị tác động rõ ràng hoặc cho phép họ tự khai báo các thiệt hại mà không cần phải xác minh. Nếu khai báo không trung thực, sau này ngành thuế phát hiện, có thể xem đó như một trọng tội "vô trách nhiệm xã hội" trong thời chiến.
Ngoài chế tài, việc nêu tên các DN này lên truyền thông, chắc chắn 100% người tiêu dùng sẽ tẩy chay họ vì trục lợi. Thiết nghĩ, nếu có những DN như vậy cũng không nhiều đến mức ngành thuế phải áp dụng các thủ tục hành chính rườm rà trong miễn giảm thuế. Chưa kể, các DN, người kinh doanh nhỏ lẻ ở Việt Nam phần lớn có truyền thống lá lành đùm lá rách, ngành thuế cũng không nên vì lo sợ "con sâu làm rầu nồi canh" mà đặt ra nhiều thủ tục trong thời chống "giặc" dịch!
Cái đáng lo sợ nhất chính là những DN cá mập, quyền năng, có thể lợi dụng các chính sách miễn giảm thuế để giành lấy bình "ôxy" để thở riêng cho bản thân mà bất chấp đại cục. Kinh nghiệm từ các gói kích cầu ở Việt Nam trong những thời khủng hoảng trước cho thấy kẻ giành bình "ôxy" thường là những người khỏe mạnh nhất. Xin đừng để cho sai lầm này lặp lại!