Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico:
Theo luật hiện hành, tiền ảo không bị cấm giao dịch mua bán, trao đổi, cho tặng… mà chỉ bị cấm thanh toán, tức là cấm coi nó như tiền. Cũng không có chuyện thắt chặt pháp lý với tiền ảo từ ngày 1-1-2018, bởi tội phạm hình sự chỉ đặt ra đối với việc "phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp" trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định.
Tôi cho rằng bitcoin và các loại tiền ảo khác là loại hàng hóa đặc biệt, mà đã là hàng hóa thì sẽ có khung pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán; tức là có các quy định để quản lý sàn giao dịch tiền ảo, các cá nhân giao dịch có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập…
Còn nếu không công nhận là hàng hóa thì nó vẫn là một loại tài sản và vẫn được giao dịch, trừ khi Quốc hội ban hành luật cấm. Tuy nhiên, thực tế bitcoin và các loại tiền ảo không thuộc vào 4 điều kiện để có thể ban hành luật cấm theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Pháp luật chỉ ngăn cấm nguy cơ, chứ không thể ngăn cấm cơ hội, dù cơ hội đó là vô cùng rủi ro.
Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này chưa có nhiều để học hỏi vì bitcoin là một sản phẩm rất mới, chỉ một số nước có sàn giao dịch thừa nhận chính thức. Còn chủ yếu tiền ảo vẫn đang trôi nổi, không quản lý được vì không có cơ quan phát hành, không có kho tàng lưu trữ. Kinh doanh tiền ảo không có đầu có chủ, ai nhanh tay thì được, nếu xuống giá thì mất hết giá trị, chỉ lưu dữ liệu không ai công nhận giá trị của bitcoin. Vì đây là một thứ hàng hóa đặc biệt nên trách nhiệm quản lý phải có sự tham gia của Bộ Công Thương.
Người dân vẫn vô tư giao dịch, mua bán tiền ảo bitcoin dù chưa có khung pháp lý bảo vệ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS NGUYỄN QUỐC ANH, Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Cần sớm có khung pháp lý để quản lý
Theo các quy định của pháp luật, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng và sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Các quy định cũng nêu rõ chế tài xử phạt từ phạt hành chính đến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn đổ xô vào, thậm chí không ít sinh viên cũng bị lôi kéo vào chơi, đầu tư bitcoin và các loại tiền ảo khác với kỳ vọng kiếm được lợi lớn, bất chấp rủi ro. Nhiều sinh viên chơi bitcoin theo trào lưu chứ không hẳn hiểu biết và nhận thức hết được rủi ro nên cần tuyên truyền nhiều hơn về tính pháp lý, rủi ro khi đầu tư vào bitcoin.
Ở góc độ khác, hiện có nhiều ý kiến xung quanh việc có nên chấp nhận bitcoin như một đồng tiền thanh toán nhưng trong xu thế phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 hiện nay, bitcoin và một số đồng tiền ảo sẽ có thể được thừa nhận. Vấn đề còn lại là NH Nhà nước tham vấn cho Chính phủ đưa ra khung pháp lý để quản lý hiệu quả.
Ông CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Đừng gọi bitcoin là tiền ảo
Tên gọi chuẩn của bitcoin là tiền kỹ thuật số, nếu là gọi tiền ảo dễ dẫn đến suy luận đây là thứ mờ mờ ảo ảo khó quản lý. Bitcoin đang là xu thế trên thế giới, nó đang tồn tại dưới 2 dạng: kênh đầu tư, đầu cơ và kênh thanh toán. Hiện nay, ở Dubai đã cho phép dùng bitcoin để thanh toán bất động sản. Ở Mỹ và Nhật cho phép thanh toán bằng bitcoin tại một số cửa hàng, quán cà phê.
Còn Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán vì đây không phải tiền tệ. Cách quản lý của chúng ta là thận trọng nhưng cũng phải đẩy nhanh việc nghiên cứu khuôn khổ pháp lý đối với bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số. Bởi bitcoin là sản phẩm tài chính khá tinh vi, phức tạp và nhạy cảm. Hiện xu thế coi bitcoin là kênh đầu tư, đầu cơ kiếm lời đang rất lớn nên chúng ta cần có phương thức để quản lý. Vì bitcoin còn rất mới nên không thể giao một cơ quan quản lý mà phải là sự kết hợp của nhiều bộ ngành.
TS LÊ ĐẠT CHÍ, Phó trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Cần chuẩn bị kịch bản xa hơn
Chiếu theo quy định hiện hành, ở Việt Nam chỉ có một đồng tiền pháp định là VNĐ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nên chuẩn bị phương án với kịch bản 1 quốc gia nào đó dùng đồng tiền điện tử, bao gồm cả bitcoin, là đồng tiền pháp định. Lúc này hoạt động kinh doanh ngoại hối sẽ phải tính đến việc chuyển đổi từ VNĐ sang đồng tiền điện tử pháp định đó.
Vấn đề tiếp theo của đồng tiền số này chính là chức năng của hàng hóa. Đã là một hàng hóa thì người dân có quyền mua và sở hữu nó. Không được dùng nó để trao đổi buôn bán nhằm thực hiện chức năng thanh toán của tiền. Và nếu xem tiền số là hàng hóa thì phải đặt vấn đề quản lý như thế nào chứ không nên cấm.
TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Cần sớm tuyên truyền, cảnh báo
Muốn quản lý các loại tiền ảo không đơn giản, chẳng hạn có đề xuất thu thuế nhưng các giao dịch bitcoin là không hợp pháp làm sao đánh thuế? Cơ quan quản lý có kiểm soát được các giao dịch tiền ảo của người chơi để thu thuế hay không? Ngay cả việc kiểm soát mở tài khoản của người chơi bitcoin, các ngân hàng thương mại cũng không thể cấm người chơi mở tài khoản vì làm sao xác định khách hàng mở tài khoản để làm gì.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước vẫn đang lúng túng trong quản lý bitcoin, như ở Mỹ không cấm nhưng cũng không công nhận đồng tiền ảo này. Do đó, trong lúc Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp ứng xử với bitcoin và các loại tiền ảo, việc tuyên truyền, cảnh báo để người dân, nhà đầu tư thấy rủi ro là cần thiết.