Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vắc-xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 điện tử.
Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc-xin; sản phẩm vắc-xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc-xin; mã số của chứng nhận.
Hộ chiếu vắc-xin điện tử - Ảnh: Bộ Y tế
Theo đó, người dân đã tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và đã được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống thì sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin với thông tin tương ứng với số mũi tiêm.
"Hộ chiếu vắc-xin sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid. Vì vậy, người dân không cần làm thủ tục gì để được cấp hộ chiếu vắc-xin"- ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết bản chất của hộ chiếu vắc-xin điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-Covid hiện nay, chỉ khác là mã hộ chiếu này sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin khi ra nước ngoài.
Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai việc cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Hộ chiếu vắc-xin về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên, hệ thống sẽ tự động tạo QR mới. Từ ngày 30-3, Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm cấp hộ chiếu vắc-xin cho hơn 1.000 đối tượng tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trước băn khoăn việc người dân đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng hiện vẫn chưa có thông tin trên hệ thống hoặc thông tin số mũi tiêm chưa được cập nhật đủ, ông Hùng khuyến cáo người dân cần gửi phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vắc-xin.
Với những trường hợp đã tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19, được cập nhật đầy đủ trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhưng do 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau thì việc cấp hộ chiếu vắc-xin sẽ thế nào? Ông Hùng cho biết các cơ sở tiêm chủng sẽ có trách nhiệm ký chứng nhận các mũi tiêm do cơ sở thực hiện tiêm.
"Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ thực hiện ký số tập trung gộp các mũi tiêm và người dân sẽ nhận được mã QR mà không phải làm gì thêm. Ngay cả trường hợp mất giấy xác nhận tiêm chủng nhưng trên hệ thống đã được cập nhật thông tin thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp hộ chiếu vắc-xin"- ông Hùng giải thích.
Việt Nam công nhận hộ chiếu vắc-xin với 17 quốc gia
Với trường hợp nhập cảnh hoặc đi du lịch đến các nước trên thế giới có được sử dụng hộ chiếu vắc-xin này, ông Hùng khuyến nghị người dân khi nhập cảnh phải tìm hiểu quy định của quốc gia đó về loại vắc-xin và số mũi tiêm.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, đến ngày 17-3, có 17 quốc gia chấp nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam, gồm: Mỹ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Úc, Belarus, Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia và Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao đã đăng tải các thông tin chi tiết về danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ cùng điều kiện và mẫu hộ chiếu vắc-xin được công nhận trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao (https://mofa.gov.vn/vi/ ) và Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự (https://lanhsuvietnam.gov.vn ).
"Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia chấp nhận các loại vắc-xin và số liều tiêm. Người dân cần tìm hiểu thông tin trước khi nhập cảnh. Việc hộ chiếu vắc-xin có thể dùng ở những quốc gia nào, cụ thể Bộ ngoại giao và Bộ Thông tin truyền thông vẫn đang phối hợp đàm phán và sẽ có thông tin chính thức"- ông Hùng nói.
Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hiện nay còn khoảng gần 80 triệu mũi tiêm vắc-xin Covid-19 sai thông tin về căn cước công dân hoặc chưa được nhập lên hệ thống, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để rà soát, xác minh và nhập bổ sung các thông tin.
Hệ thống chỉ cấp hộ chiếu vắc-xin cho những người dân được xác thực thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
"Đối với người dân đã tiêm vắc-xin, nếu chưa được cập nhật dữ liệu thông tin trên hệ thống cần liên hệ với cơ sở tiêm hoặc thực hiện phản ánh thông tin trên cổng thông tin. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở xử lý phản ánh của người dân để đảm bảo quyền lợi của người dân. Người dân khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy cũng như là cấp chứng nhận điện tử"- ông Hùng lưu ý.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19, đến sáng 2-4, cả nước đã tiêm 206.338.198 liều vắc-xin Covid-19. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 99% và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 99% và 2 mũi là 94%.