Sau hơn 1 năm chờ đợi, quyết định chính thức cho phép triển khai thí điểm tiền di động ( Mobile Money ) đã được Chính phủ thông qua. Phấn khởi nhất là các nhà mạng, bởi cánh cửa bước vào thị trường thanh toán đã mở toang với họ, đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống đã bão hòa. Điều quan trọng nhất, Mobile Money mang lại tiện ích to lớn cho những thanh toán giá trị nhỏ mà lâu nay hầu như phải dùng tiền mặt để chi trả.
Sẵn sàng triển khai Mobile Money
Từ 2 năm nay, ứng dụng thanh toán hóa đơn điện nước hay mua sắm không dùng tiền mặt đã đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, đặc biệt được nhiều người trẻ đón nhận.
Để dùng ứng dụng thanh toán online, người dùng phải có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên thời gian tới, khi dịch vụ thanh toán qua tài khoản điện thoại di động (Mobile Money) được cấp phép, ứng dụng này sẽ đến được với đông người dùng hơn nữa. Hiện vẫn còn 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, mà mới chỉ có điện thoại di động, đây là thị trường lớn cho Mobile Money.
Sắp tới, những người không có tài khoản ngân hàng, người ở vùng sâu, hải đảo cũng có thể dùng điện thoại để thanh toán hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: NLĐ)
Hiện nay, 99% người dân trả tiền mặt khi mua hàng dưới 100.000 đồng do ngại chuyển khoản ngân hàng sẽ mất phí giao dịch, hoặc chưa ra ngân hàng làm thủ tục nên chưa có tài khoản ngân hàng.
Với hơn 130 triệu thuê bao di động trên cả nước, dịch vụ 4G rộng khắp và lượng người dùng điện thoại thông minh lớn, các nhà mạng ở Việt Nam được đánh giá có nhiều thuận lợi khi triển khai thanh toán qua tài khoản di động, từ đó góp phần phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Mobile Money làm thay đổi thế giới
Mobile Money đã phổ biến ở 95 quốc gia, với hơn 2 tỷ USD giao dịch mỗi ngày. Số người tiếp cận các đại lý chuyển tiền cao gấp 7 lần ATM. Từ những gì đang diễn ra, có thể nói Mobile Money là nền tảng công nghệ tài chính làm thay đổi thế giới.
Mobile Money được hiểu đơn giản là người dùng sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa. Là một phần của thanh toán điện tử, nhưng Mobile Money khác với ví điện tử ở chỗ người dùng không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu, năm 2019, giá trị giao dịch mỗi ngày qua Mobile Money lên tới 1,9 tỷ usd, trong đó Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng cao nhất. Điều này khiến nó trở thành xu hướng trong ngành tài chính thế giới, đặc biệt tại các quốc gia thu nhập thấp.
Mobile Money mang lại tiện ích to lớn cho những thanh toán giá trị nhỏ mà lâu nay hầu như phải dùng tiền mặt để chi trả. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Tiền mặt đã trở thành chuyện của quá khứ tại Kenya khi dịch vụ Mobile Money có tên M-Pesa xuất hiện ở đây nhiều năm qua. Nó giúp người dân không có tài khoản ngân hàng chuyển/nhận tiền từ thành thị đến nông thôn, thanh toán các chi phí sinh hoạt như: mua sắm, tiền điện nước, đi lại một cách tiết kiệm cả về thời gian và phí giao dịch. Tất cả chỉ cần thao tác trên một chiếc điện thoại. Tính đến năm 2017, 2% hộ dân Kenya thoát cuộc sống cùng cực, nghèo khổ nhờ Mobile Money.
Trước Việt Nam, trên thế giới đã có 95 quốc gia triển khai Mobile Money, tức là chúng ta phần nào đó đã lỡ nhịp với thành tựu công nghệ của thế giới trong lĩnh vực thanh toán, nhưng bù lại, Việt Nam có độ phủ viễn thông di động vào nhóm cao nhất thế giới khi số thuê bao gấp 1,3 lần dân số.
Theo tính toán, tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế lên tới 0,5%. Vấn đề chỉ còn là chúng ta đã đi sau, nhưng học hỏi được gì từ kinh nghiệm đã có để thành công nhanh và bền vững?
Các bước cơ bản để kích hoạt tiền di động tới các thuê bao hiện có như thế nào? Mobile Money ra đời sẽ là đối thủ trực tiếp của các ví điện tử, bởi không cần có tài khoản ngân hàng vẫn thanh toán được, liệu ví điện tử có dần biến mất?