Để bảo vệ bạn khỏi những sự phiền hà này, pháp luật đã có những quy định như sau.
Trước hết về các nghĩa vụ nợ, theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đồng thời, nếu hai bên thoả thuận việc vay vốn có lãi thì bên vay phải trả đủ cả gốc và lãi theo đúng thời gian đã quy định trừ trường hợp có quy định khác.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu như bạn không vay tiền thì bạn không có nghĩa vụ phải trả số tiền này. Nếu như bạn vẫn nhận được cuộc gọi đòi tiền này, việc bạn nên làm lúc này là bình tĩnh và có thể xử lý theo các bước sau.
Trước tiên là không cung cấp thông tin cá nhân của mình cho người gọi điện đòi nợ. Các thông tin như giấy tờ tùy thân, địa chỉ cư trú, nơi công tác, các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,… không nên được cung cấp cho các đối tượng trên.
Sau đó, cần phải nói rõ với bên đòi nợ rằng bạn không phải người vay và không biết người đi vay.
Việc tiếp theo là hỏi rõ về khoản vay, yêu cầu bên đòi nợ cung cấp các hợp đồng chứng từ chứng minh việc vay tiền của mình.
Nếu có thể hãy ghi âm cuộc gọi để lưu lại làm bằng chứng khi sau này cần cung cấp cho các cơ quan chức năng.
Nếu tình trạng quấy rầy vẫn kéo dài sau khi bạn đã nói rõ việc không vay nợ thì bạn hoàn toàn có thể chặn cuộc gọi.
Về việc xử phạt các đối tượng làm phiền và quấy rồi trên thì điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định: Đối với các trường hợp người sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, sẽ có biện pháp xử phạt với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
Và cuối cùng, để ngăn tình hình diễn biến xấu hơn, bạn hãy đến cơ quan công an địa phương trình báo về sự việc. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi của bạn một cách tốt nhất.