Theo đó, để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn phù hợp với tình hình thực tế, góp phần ổn định giá bán mặt hàng này trong nước, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm 2023 theo diễn biến giá dầu thô mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết.
Cụ thể: Trường hợp giá dầu thô thế giới từ 70 USD/thùng trở xuống, thuế bảo vệ môi trường áp mức trần 4.000 đồng/lít xăng, 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay, 2.000 đồng/lít dầu diesel…;
Khi giá dầu thô thế giới trên 70 USD/thùng đến dưới 80 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần của khung thuế. Cụ thể, thuế đối với xăng là 3.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 2.250 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít…;
Khi giá dầu thô thế giới từ 80 USD/thùng đến dưới 100 USD/thùng thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế. Theo đó, thuế đối với xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít…;
Giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu bằng mức sàn của khung thuế. Đó là thuế đối với xăng là 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít…
Theo đề xuất đã nêu, Bộ Tài chính ước tính với mức giá dầu thô 70 USD/thùng sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn bình quân một tháng đạt khoảng 5.130 tỷ đồng; Kịch bản giá dầu thô lên 70-80 USD/thùng, 80-100 USD/thùng và trên 100 USD/thùng, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu và mỡ nhờn ước giảm tương ứng 1.282 tỷ đồng, 2.565 tỷ đồng và 3.838 tỷ đồng.
Đơn vị này cho rằng, việc áp dụng linh hoạt mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn phù hợp với biến động của giá dầu thô thế giới sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Các chuyên gia cho rằng, việc áp thuế môi trường với xăng dầu nên được cân nhắc - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN
Trước đề xuất này, các chuyên gia cho rằng, việc áp thuế môi trường với xăng dầu nên được cân nhắc, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của các ngành sản xuất trong nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi xăng dầu tăng giá sẽ không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa lên cao, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.
Chưa kể, giá các mặt hàng quá cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất, dẫn đến những tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế…
Cho ý kiến về 4 kịch bản áp thuế bảo vệ môi trường theo biến động giá nhiên liệu thế giới trong năm 2023 mà Bộ Tài chính đề xuất, thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, cơ quan này cần chứng minh được tính logic của vấn đề trong việc tính thuế chứ không phải tính thuế theo biến động giá xăng cao thì đánh thuế ít, thấp thì đánh nhiều.
Đồng thời cần công khai minh bạch việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu bởi đây là nguồn thu lớn. Tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng đưa vào ngân sách phải chi trở lại để bảo vệ môi trường, giúp cho người dân có môi trường sống trong lành, không bị ô nhiễm.
“Những năm qua, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường rất lớn, nhưng không rõ đã được sử dụng để thực hiện các dự án liên quan tới công tác bảo vệ môi trường thế nào, phải thật minh bạch, rõ ràng thì người dân mới ủng hộ”, ông Trinh bày tỏ.
Đồng quan điểm với TS. Bùi Trinh, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu. Bởi theo quy định, việc thu thuế bảo vệ môi trường phải chi cho bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay chưa được công khai minh bạch.
“Thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn thu không nhỏ, nên phải chi đúng mục đích, có hiệu quả tránh thất thoát, lãng phí. Bộ Tài chính nên minh bạch hiệu quả sử dụng trong việc thu chi hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn thuế này”, ông Long cho hay.
Xoay quanh đề xuất thu thuế môi trường xăng dầu linh hoạt theo diễn biến giá dầu thế giới của Bộ Tài chính, ông Long cho hay, cần làm rõ các căn cứ để đưa ra các kịch bản trên.
“Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng 4 mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2023 nhưng không lý giải vì sao lại có các con số đó. Tôi cho rằng, nên làm rõ căn cứ để đưa ra các mức thu thuế môi trường với xăng dầu vì xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu nên biến động giá dù nhỏ cũng tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, người dân cần biết rõ những căn cứ đó”, ông Long bày tỏ.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, vẫn chỉ nên thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
“Về nguyên tắc, muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Nhà nước nên có chính sách khoan sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục”, ông Long nhấn mạnh.