97.460 tỷ đồng nợ thuế
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý ước tính đến hết tháng 2/2021 là 97.460 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020; tăng 2,5% so với thời điểm ngày 31/12/2020.
Điều đáng nói, nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 28/02/2021 là 86.367 tỷ đồng (giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,8% so với thời điểm ngày 31/12/2020).
Về cơ cấu nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, nợ tiền thuế có khả năng thu là 43.679 tỷ đồng (tăng 8,7% so với năm 2020); tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh) là 24.900 tỷ đồng (giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 4,3% so với tháng 1/2021).
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nợ thuế không còn khả năng thu giảm mạnh so với cùng kỳ 2020 là do cơ quan Thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Nếu tính riêng tổng số tiền thu nợ thuế thực hiện trong tháng 2 thì chỉ đạt 1.860 tỷ đồng, lũy kế đến thời điểm ngày 28/2 là 5.110 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tháng 2 trùng với kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu và do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm 28/2/2021, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2021 là 8,7%, cao hơn 3,7% so với chỉ tiêu giao (5%). Trong đó, tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2021 là 5,5%; tỷ lệ nợ thuế không còn khả năng thu trên tổng thu năm 2021 là 2,2%; nợ đang xử lý trên tổng thu năm 2021 là 0,8%; nợ đang khiếu nại trên tổng thu năm 2021 là 0,2%.
Cần có biện pháp mạnh
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn ngành Thuế đã tập trung giải quyết kịp thời việc xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn thi hành để hỗ trợ người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bất khả kháng.
Ngành Thuế hiện cũng đang thực hiện rà soát, phân loại nợ, chuẩn hóa nợ thuế, phản ánh đúng tình trạng, bản chất của khoản tiền nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ thuế, đặc biệt rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng và những người nộp thuế không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính
"Ngành Thuế đang thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế đối với các trường hợp lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để cố tình chây ỳ nợ thuế như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng...", đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Việc tiếp tục rà soát xử lý các doanh nghiệp nợ lớn cũng sẽ được các cục thuế chú trọng, từ đó, thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế để tổ chức đôn đốc, thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính nhìn nhận, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thuế chịu áp lực không nhỏ bởi thu từ thuế chiếm tới 80-90% nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.
"Cơ quan thuế cần rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chây ì, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Cụ thể, ngành Thuế có thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng...
"Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, ngành Thuế có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến./.