Các chuyên gia Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh (Vietnam Green Travel Pass) thay cho hộ chiếu vắc-xin tại Việt Nam để mở lại các công việc kinh doanh, đi lại trong nước, tiến tới xuất cảnh, nhập cảnh. Qua đó nhằm thực hiện mục tiêu kép, giúp phục hồi phát triển kinh tế sớm nhất trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19 lâu dài.
Hành khách chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đi nước ngoài của Vietnam Airlines thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) hành trình từ sân bay Nội Bài đi Narita (Tokyo, Nhật Bản) vào ngày 12-8-2021. Ảnh: VNA
Thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy, áp dụng cho những đối tượng không chỉ tiêm đủ vắc xin, mà cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, để làm được Thẻ thông hành xanh, cần phải có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về triển khai hộ chiếu vắc-xin.
Khái niệm về hộ chiếu vắc-xin cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người, có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR, hai là tiêm đủ vắc-xin, 1 hoặc 2 liều theo nhà sản xuất; ba là bệnh nhân đã khỏi Covid-19. Hiện nay, ở Việt Nam có cả ba đối tượng như vậy, nhưng cách ứng xử và thực hiện chưa có gì khác biệt. Ví dụ, phi công và tiếp viên đã tiêm 1 mũi vắc-xin, không may mắc virus SAR-CoV-2, đã khỏi bệnh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ có được phép quay trở lại đi làm không? Bởi theo quy định, bệnh nhân khỏi bệnh không được tiêm vắc-xin vì đã có kháng thể, ít nhất 6-7 tháng sau mới được tiêm.
Do đó, hộ chiếu vắc-xin cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo và khi đưa việc ứng dụng phần mềm vào sử dụng phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chống giả mạo; hay chi phí sử dụng phần mềm đó là miễn phí hay có thu phí. Phó Cục trưởng Võ Huy Cường cũng lưu ý vấn đề, đừng để các phần mềm hộ chiếu vắc-xin trở thành gánh nặng cho xã hội, cụ thể ở đây tức là người sử dụng - các hãng hàng không và những người tham gia di chuyển bằng đường hàng không.
Phó Cục trưởng Võ Huy Cường kỳ vọng, từ nay đến 30-9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách và tỷ lệ tiêm vắc-xin ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có hộ chiếu vắc-xin, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế…
Trong khi chờ mở cửa hàng không, du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngày càng nhiều. Hộ chiếu vắc-xin đã trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Ngày 2-9, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London - Anh. Vietnam Airlines kỳ vọng việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.
Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass. Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet, cho hay Vietjet là một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tham gia thử nghiệm giải pháp này.
IATA Travel Pass sẽ giúp hành khách quản lý, xác thực các thông tin về sức khỏe khi đi du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu hiện hành về việc xét nghiệm hoặc tiêm phòng Covid-19 của nhà chức trách tại nơi đến; giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch.