Cơ hội để sửa lại mình
Theo một số DN lữ hành, năm 2019 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường Outbound. Cụ thể như việc Đài Loan (Trung Quốc) thắt chặt visa cho khách Việt; Hàn Quốc tăng thời gian xét duyệt visa lên 12 - 15 ngày và Nhật Bản vừa qua đã đưa ra thông báo ngừng cấp visa cho khách đoàn, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp lữ hành.
Theo đại diện Cty Tư vấn Minh Đức (298 Ngọc Hồi, Hà Nội), để quản lý du khách, các Cty lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với đối tác bên nước sở tại, cùng đó phải có sự kiểm soát chặt nguồn khách trước khi đi.
Luật sư Nguyễn Đức Toàn (Cty Luật Max Asia) cho rằng, nếu DN để xảy ra tình trạng du khách bỏ trốn thì bằng phương pháp ngoại giao, chính phủ nước sở tại sẽ hạn chế hoặc ngưng cấp visa đối với DN. Trong trường hợp các DN bị dừng cấp visa vào Nhật Bản, thông qua con đường ngoại giao, chính phủ cần có công hàm để tìm hiểu rõ thông tin vì sao không cấp visa cho các đơn này và bảo vệ các DN trong nước, theo các công ước quốc tế và WTO mà Việt Nam đã ký kết. Cùng đó, các DN cũng cần phải xem lại trách nhiệm quản lý của mình đặc biệt là khâu quản lý hướng dẫn viên.
Việc du khách đặt tour đi du lịch và không quay trở về lại Việt Nam khiến hình ảnh, con người Việt Nam trở nên xấu hơn. Do vậy, việc chắt lọc hồ sơ hoàn toàn có thể làm được nếu như người xem hồ sơ visa có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là phải cẩn thận từ khâu bán hàng (Sales) nhận khách (gặp trực tiếp khách), cho đến khâu kiểm tra hồ sơ (mạnh/yếu). Thực tế, nếu như làm chặt chẽ, hoàn toàn hạn chế tối đa trường hợp du khách trốn ở lại.
GĐ Cty Du lịch Neworld Travel Đặng Thanh Tùng đánh giá, việc ĐSQ Nhật Bản ngừng cấp Visa dành cho 8 Cty du lịch là có lý do. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, một trong những quyết định ĐSQ Nhật Bản áp dụng với một số Cty lữ hành du lịch Việt Nam ngoài việc hạn chế tối đa việc du khách bỏ trốn lại Nhật Bản cũng là để các Cty du lịch nghiêm túc, chặt chẽ hơn trong việc tiếp nhận, làm hồ sơ cho du khách xin visa và cũng để các DN Việt nhìn lại để nâng cao chất lượng phục vụ.
Siết chặt quản lý doanh nghiệp và du khách
Công ty Vietravel năm 2018 đã tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật du lịch. Chi nhánh Vietravel Hà Nội có một số du khách ở lại hoặc về sau đoàn mà Cty chưa kịp khai báo. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc chi nhánh Vietravel Hà Nội bị ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam tạm đình chỉ tư cách đại diện xin visa trong vòng 6 tháng. DN sẽ nhanh chóng làm việc và giải trình với ĐSQ Nhật Bản cũng như áp dụng biện pháp để giảm tránh tình trạng khách trốn ở lại như vừa qua. Mặc dù bị tạm đình chỉ trong 6 tháng, nhưng phía Vietralvel khẳng định, việc tiếp nhận khách đi du lịch Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường trên toàn hệ thống của Cty.
Bà Dương Mai Lan - GĐ CtyAscen Travel lại cho rằng, “ĐSQ Nhật ngừng cấp visa đoàn cho 8 Cty du lịch Việt Nam do “Vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết với đại sứ quán” là việc làm đúng đắn. Tuy nhiên cũng là một hãng lữ hành chuyên tổ chức các tour du lịch sang Nhật, chúng tôi rất hiểu những khó khăn của các hãng lữ hành uy tín trong việc tổ chức và kiểm duyệt hồ sơ của khách hàng”.
Theo bà Mai Lan: Việc ngừng cấp visa đoàn lần này chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của 8 Cty bị đình chỉ trên, còn việc xét duyệt visa vẫn diễn ra bình thường đối với các Cty lữ hành khác và không ảnh hưởng tới lượng du khách Việt Nam sang tham quan Nhật Bản trong thời gian tới.
Các hãng lữ hành uy tín phải có kế hoạch đào tạo cho các nhân viên khi nhận hồ sơ của khách phải có quy trình xét duyệt hồ sơ thật chuyên nghiệp, đảm bảo phải là khâu lựa chọn nguồn khách chuẩn đầu tiên trước khi nộp hồ sơ xin visa tới các đại sứ quán. Tuy nhiên, việc lựa chọn nguồn khách này đôi lúc cũng gặp nhiều khó khăn, có những trường hợp khách hàng cố tình “làm đẹp” hồ sơ một cách khá bài bản hoặc làm một vài cách thức khiến các hãng lữ hành khó nhận biết được. Để hạn chế những rủi ro trên, ngoài việc đào tạo nhân viên nhận hồ sơ visa phải tuân thủ theo đúng quy trình nhận khách, cũng như phải tìm hiểu rõ nguồn khách...