Việc xây dựng chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới đã được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện trong nhiều năm qua.
Tại công văn 8750/VPCP-V.I tháng 10-2020, Chính phủ đã giao cho các ban bộ ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và trình Thủ tướng vào tháng 12 cùng năm.
Trong thời gian này, dư luận và các cơ quan ban ngành cũng đều có ý kiến phân tích nhiều góc độ về khoa học, sức khoẻ, thậm chí là đề xuất áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành cho những loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã thuộc định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành từ năm 2012. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: hơn ba năm nhưng chỉ dừng ở giai đoạn tiếp thu ý kiến
Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo quản lý thuốc lá thế hệ mới cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Trong thời gian từ năm 2019 đến 2020, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến của chuyên gia và các cơ quan ban bộ ngành về những vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới nhập lậu trên thị trường. Tại tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức tại Hà Nội tháng 11-2020, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng nên cần có một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để cơ quan chức năng không lúng túng trong việc thu giữ và xử lý các sản phẩm nhập lậu. Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng trường hợp loại thuốc lá thế hệ mới nào các đủ các đặc tính và được coi là thuốc lá theo định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) thì nhất thiết phải rà soát các quy định của Luật và các văn bản có liên quan.
Đã có nhiều hội thảo, toạ đàm về thuốc lá thế hệ mới diễn ra trong thời gian qua |
Buôn lậu thuốc lá thế hệ mới vẫn gia tăng
Theo thống kê sơ bộ từ các cơ quan quản lý thị trường, tình trạng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới gia tăng qua các năm, kể cả khi dịch Covid-19 diễn ra. Đầu năm 2021 đến nay, nhiều vụ mua bán quy mô lớn đã bị thu giữ, trong đó có lô hàng ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là việc mua bán, giao dịch sản phẩm này chủ yếu thông qua mạng xã hội, nhất là những nhóm kín nên việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Luật PCTHTL 2012 chưa nêu cụ thể tên các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, ngoại trừ việc quy định chung cho các sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này. Chính vì thế, dù xử lý hàng trăm vụ nhưng tất cả đều áp dụng phạt hành chính và tịch thu tiêu hủy sản phẩm với lí do hàng không có hóa đơn chứng từ.
Mức phạt hành chính theo đó chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, trong khi lợi nhuận từ việc buôn hàng lậu có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Điều này cho thấy Nhà nước đang thất thoát ngân sách rất nhiều trong những năm qua.
Hệ lụy tất yếu của vấn nạn hàng lậu là giới trẻ hiện đang bị "đầu độc" bởi những thông tin quảng cáo sai lệch về sản phẩm từ những tổ chức, cá nhân buôn bán bất hợp pháp, thậm chí ngay gần khuôn viên trường học. Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội vừa công bố có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ nhưng lại tập tành hút thuốc lá điện tử nhập lậu.
Thậm chí, những người hút thuốc lá lâu năm đang chuyển từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá "công nghệ" hiện cũng đối mặt với nguy cơ mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khoẻ nhưng với giá rất cao. Khảo sát của Viện Kinh tế kỹ thuật trên một số mẫu đã cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Trước đó nghị định số 106/2017/NĐ-CP phát hành vào tháng 9-2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứ xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng chính phủ. Sự quan tâm của chính phủ đối với các sản phẩm thuốc lá "công nghệ" này đã bắt đầu từ rất sớm. Chính vì thế, người tiêu dùng, các bộ ban ngành và toàn xã hội đang hết sức trông đợi ý kiến chỉ đạo chính thức của Chính phủ cho vấn đề này, nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, cũng như trong chiến lược của quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung.
(Theo NLD)