Để sàn giao dịch này hoạt động hiệu quả, cần tháo gỡ các nút thắt đang cản trở sự phát triển của thị trường mua bán nợ hiện nay.
Chưa có thị trường đúng nghĩa
Tại Việt Nam, dù nguồn cung nợ xấu khá lớn, song số lượng công ty chuyên về mua bán nợ xấu lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, DATC, AMC của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác tham gia vào hoạt động mua, bán nợ xấu.
Năng lực tài chính của các chủ thể nói trên cũng khá yếu. Ngoài VAMC và DATC có quy mô vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên, các AMC và một số chủ thể khác đều hạn chế về vốn. Con số này so với khối lượng nợ xấu cần xử lý trên thị trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, thông tin về hàng hóa nợ xấu trên thị trường thiếu minh bạch, còn nhiều bất cập; phương thức mua bán nợ xấu còn đơn điệu, chủ yếu do thỏa thuận, trong khi việc mua, bán nợ xấu thông qua đấu thầu, đấu giá hiện chưa được áp dụng rộng rãi…
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng tăng mạnh do tác động của dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng cần sớm thành lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung để giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Sàn giao dịch sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bên mua, bên bán thông qua các cơ chế đăng ký, cung cấp, bảo mật thông tin và đặc biệt là thông qua các nhà môi giới chuyên nghiệp - đội ngũ nắm giữ các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa của thị trường, đầu mối sắp xếp cho bên mua, bên bán gặp nhau để thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để thành lập Sàn giao dịch nợ xấu là phải có một hành lang pháp lý đồng bộ. "Khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 42 (tháng 8 năm 2022) hoặc một thời hạn sớm hơn, cần trình Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 theo hướng áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu, đồng thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC kiến nghị.