Nội dung này cũng sẽ được đề cập tại tọa đàm trực tuyến "Ngân hàng số, Thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID-19" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào lúc 14h ngày hôm nay (21/5/2020) tại Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đa tiện ích trong ngân hàng số của VPBank
Chưa có ngân hàng số thuần túy
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã làm đổi thay phương thức kinh doanh ngân hàng truyền thống, và ngân hàng số là một hướng đi tất yếu nếu các nhà băng không muốn "bị bỏ lại phía sau" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, hiện có đến 94% các ngân hàng tại Việt Nam đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, và mục tiêu "trở thành ngân hàng số hàng đầu" đã trở thành slogan của không ít ngân hàng trong nước.
Trên thực tế, bức tranh ngân hàng số tại Việt Nam cũng thay đổi từng ngày và có nhiều bước đột phá lớn trong mấy năm gần đây. Chẳng hạn mới đây Nam A Bank đã ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA. Hay như TPBank có ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank triển khai Digital Lab, VPBank có ngân hàng số YOLO, LienVietPostBank phát triển Ví Việt, VietinBank áp dụng corebank mới,...
Theo TS. Cấn văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đối với hệ thống ngân hàng thông thường chỉ có 3 cấp độ để chuyển đổi số. Ở cấp độ 1, các ngân hàng có thể tiếp tục những gì đang làm. Còn cấp độ 2 là thành lập bộ phận riêng như trung tâm ngân hàng số, công ty ngân hàng số, đơn vị kinh doanh số trong ngân hàng. Cấp độ 3, các ngân hàng thực hiện số hoá một số bộ phận, quy trình, sản phẩm dịch vụ kinh doanh trong hoạt động.
"Tôi thấy rằng đa số các ngân hàng hiện nay số hoá ở cấp độ 2,3 cũng là cấp độ tương đối tích cực khi một số đã thành lập đơn vị riêng như TPBank có Live Bank chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng số, BIDV có trung tâm ngân hàng số, một số ngân hàng khác có chi nhánh thí điểm ngân hàng số…", ông Lực đánh giá.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng số thuần túy nếu xét theo cách hiểu về ngân hàng số là mô hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong kỷ nguyên số, ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng và dịch vụ và ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngân hàng.
Thiếu hành lang pháp lý
Giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều nguyên nhân đang cản trở tiến trình chuyển đổi số của các nhà băng, đó là chi phí đầu tư lớn, hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thói quen của người tiêu dùng, vấn đề an toàn bảo mật… Song nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu một hành lang pháp lý cho ngân hàng số.
Đặc biệt theo phản ánh của lãnh đạo nhiều ngân hàng, quy định xác định danh tính khách hàng tại quầy khiến tăng rào cản tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Bởi để có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng số thì điều đầu tiên là ngân hàng phải có khách hàng số; muốn vậy cần phải triển khai xác thực số eKYC.
Một tin vui đối với các ngân hàng là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó cho phép các ngân hàng được phép không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ.
Thế nhưng, ngân hàng vẫn chưa thể mừng. Bởi theo Nghị định 87, các ngân hàng phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng khi không gặp mặt trực tiếp. Theo đó, hiện các ngân hàng có thể sử dụng biện pháp như chụp chứng minh thư lưu 2 mặt, quay camera trực tiếp khuôn mặt người đó trên online… Nhưng ở Việt Nam vẫn còn xảy ra tình trạng làm giả chứng minh thư, thẻ căn cước… Do vậy, điều cần nhất đối với các ngân hàng khi triển khai eKYC phải kết nối được cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an mới đảm bảo thông tin chính xác được.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng cho biết, do chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia có thể chia sẻ cho các bên, nên các ngân hàng phải tự thu thập làm dày thông tin dữ liệu của khách hàng bằng nhiều cách như xây dựng hệ thống nhận dạng thông qua sinh trắc học riêng, chủ động kết nối với các nhà mạng viễn thông thu thập thông tin khách hàng… Tất nhiên, việc làm này đòi hỏi phải đầu tư khoản chi phí lớn mà không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng. Ngoài ra, eYKC cũng gặp những trở ngại về lưu trữ dữ liệu lớn cho việc phân tích và so sánh trong khi chưa có sự liên thông các dữ liệu của các tổ chức với nhau…
Bên cạnh vấn đề về eKYC, hiện các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số vẫn còn nhiều mâu thuẫn; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế. NHNN chưa ban hành văn bản quy định chính thức nào cho các sản phẩm tiết kiệm điện tử cũng như đại lý ủy quyền của ngân hàng; Hành lang pháp lý đối với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính còn yếu kém; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo…
Đó là những trở ngại lớn cản trở các ngân hàng trong tiến trình số hóa hoạt động. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam.