Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, bộ luôn mong khôi phục lại đường bay thương mại thường lệ quốc tế. Thực tế, từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 tới nay, Bộ GTVT chưa có văn bản chính thức nào về việc dừng bay quốc tế. Tuy nhiên, do chính sách hạn chế người nhập cảnh để phòng chống dịch, các điều kiện để được nhập cảnh không dễ đã hạn chế người đi lại và các hãng hàng không buộc phải dừng bay vì không có khách.
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sau khi thí điểm mở cửa du lịch. Ảnh: PT
Trước Tết Nguyên đán, ngay khi Chính phủ cho thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế có hướng dẫn không yêu cầu cách ly tập trung với người nhập cảnh, lập tức Bộ GTVT thông báo với các quốc gia và vùng lãnh thổ đối tác. Bên nào đồng ý là cho phép các hãng bay thương mại thường lệ ngay.
Đà Nẵng khôi phục lại các chuyến bay, hoạt động du lịch trong tháng 3
Thông tin trên được ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay khi đến thăm, động viên ra quân sản xuất đầu năm tại một số doanh nghiệp trên địa bàn ngày 8/2. Theo Chủ tịch TP, các đơn vị du lịch đang làm mới sản phẩm để thu hút du khách. Thành phố cũng đang xúc tiến các chương trình làm việc để quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng đến với du khách trong nước và quốc tế, cùng với chủ trương khôi phục lại các đường bay trong tháng 3/2022. Trong dịp Tết tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng gần 36.000 lượt, tăng gần 17% so với năm 2021, chủ yếu là khách nội địa. Riêng đường hàng không dịp này đã đón 404 chuyến tới Đà Nẵng. THANH TRẦN
Trong 2 năm qua, mỗi khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát, Bộ GTVT lại chủ động xây dựng phương án, lộ trình khôi phục đường bay quốc tế thường lệ báo cáo Chính phủ.
“Bộ GTVT rất mong khôi phục đường bay thường lệ quốc tế, qua đó hỗ trợ phát triển kinh tế, khôi phục du lịch, giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Bay thương mại thường lệ là giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân đi lại. Bộ và các hãng hàng không luôn sẵn sàng mở lại bay quốc tế. Vấn đề còn lại, phải có khách hàng không mới hoạt động được. Điều này phụ thuộc vào quy định với khách quốc tế nhập cảnh, giám sát y tế”, ông Tuấn nói.
Về phía các hãng hàng không, hiện Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đã khôi phục lại một số đường bay quốc tế thường lệ tới các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Úc, châu Âu, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ chiều về được phép chở công dân Việt Nam về nước, khách công vụ, chuyên gia và thí điểm một số chuyến bay đón khách du lịch quốc tế...
Thực tế hoạt động bay quốc tế vẫn hạn chế. Đại diện các hãng hàng không đều khẳng định, đã sẵn sàng về phương tiện, nhân sự để bay chở khách quốc tế ngay khi được phép và mong sớm được triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT hãng lữ hành Vietravel và hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới và quanh khu vực đã xây dựng lộ trình mở cửa đi lại và du lịch quốc tế. Thái Lan có thể mở cửa du lịch với Trung Quốc và Malaysia từ tháng 4 tới. Indonesia, Singapore, một số nước châu Âu cũng dự định mở đón khách quốc tế trong 1-2 tháng tới. Hoa Kỳ, Campuchia đã mở hoàn toàn...
Du lịch dịp Tết Nguyên đán vừa qua tăng cao cho thấy cơ hội mở cửa đón khách quốc tế. Ảnh sân bay Nội Bài những ngày cuối kỳ nghỉ Tết vừa qua Ảnh: PT |
Theo ông Kỳ, Việt Nam đã tiêm phủ vắc xin, trường học cũng mở dần. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sau khi Chính phủ chỉ đạo địa phương không tạo thêm rào cản, lập tức khách đi lại và du lịch tăng đột biến, một số nơi ùn tắc, thiếu khách sạn. Điều này do chính sách thay đổi bất ngờ, doanh nghiệp vận tải, lưu trú, dịch vụ không kịp chuẩn bị, thiếu nhân lực.
“Dịp Tết cho thấy chúng ta có đủ điều kiện mở cửa đón khách quốc tế, trong đó có khách du lịch. Còn khi chưa mở ngay, nhà nước nên công bố rõ giải pháp và lộ trình thực hiện để doanh nghiệp chuẩn bị, đảm bảo dịch vụ tốt nhất và an toàn trong phòng, chống dịch bệnh”, ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, với hàng không, đường bay truyền thống có thể nối lại ngay, nhưng với đường bay mới, sẽ phải đàm phán để được cấp phép nên cần thời gian. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch , lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ... cần có lộ trình để xây dựng chương trình, sản phẩm, quảng bá tìm khách, chuẩn bị nhân lực...
“Tất cả công tác chuẩn bị đều phải đầu tư tiền của, nhân lực, nên lộ trình mở cửa cần rõ ràng. Không thể nói mở là mở ngay, hoặc nói mở nhưng tới ngày lại không mở, doanh nghiệp sẽ trở tay không kịp”, ông Kỳ nói.