Cần tăng khả năng giám sát dòng vốn và hàng hóa ngoại vào Việt Nam

29/10/2018 07:37
Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, cần thận trọng, tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính.

Tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện về chất

Theo Tổng cục thống kê, GDP quý III tiếp tục đà tăng trưởng khi đạt 6,88%. Tăng trưởng GDP tính chung 9 tháng năm 2018 đạt 6,98% - mức tăng cao nhất trong 8 năm qua, nhờ vậy áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ nay đến cuối năm giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu đều có bước tăng trưởng tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 3,57%.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong 3 quý vừa qua là nhờ những giải pháp phát triển kinh tế xã - hội đã được thực hiện khá tốt, tái cơ cấu nền kinh tế được thúc đẩy, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể… Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nhằm tạo thêm dư địa chính sách và cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Song song đó là những nỗ lực vận động, thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do quan trọng và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.

Cần tăng khả năng giám sát dòng vốn và hàng hóa ngoại vào Việt Nam - Ảnh 1.
Tăng trưởng 9 tháng năm 2018 đạt mức tăng cao nhất trong 8 năm qua (Ảnh minh hoạ: KT)

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia cho rằng, một trong những thành công lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô 9 tháng qua là điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá có rất nhiều sức ép, chính sách tiền tệ đã được điều hành ổn định, linh hoạt, chủ động và hợp lý. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện rõ nét, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lao động giá rẻ.

“Cơ cấu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, động lực lớn của tăng trưởng, thì hiện có tới 96% là doanh nghiệp FDI, hoặc ngành dệt may đóng góp vào tăng trưởng khá cao thì cũng có tới 86% là doanh nghiệp FDI. Do đó, cần xem xét, đánh giá khách quan để xem tăng trưởng của chúng ta đang tồn tại vấn đề gì”, TS. Lê Đình Ân lo ngại.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu tới từ khu vực FDI, khi xuất khẩu của khu vực này vẫn chiếm hơn 72% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

“Không nên lạc quan về giá trị xuất khẩu, khi hàm lượng giá trị gia tăng trong nước là rất thấp. Cần có sự phân tích thực sự nghiêm túc là chúng ta cần phải làm gì khi mà viễn cảnh dệt may không mấy lạc quan, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam giảm đi rất nhiều, nhiều công đoạn trong dệt may thay thế bằng robot”, TS Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quý III tiếp tục chứng kiến lượng DN tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 DN đăng ký thành lập mới, tăng 2,8% về số DN so với cùng kỳ năm 2017, nhưng có tới 73.103 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2017. Theo TS Lê Đăng Doanh, số DN đăng ký tăng lên không cao, nhưng số lượng ngưng hoạt động lại tăng cao là do môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện.

“Thực tế, DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn cũng như sự rắc rối, phiền hà nhũng nhiễu còn nhiều, chưa kể đến chi phí tuân thủ mất quá nhiều thời gian, tiền bạc của DN”, TS Doanh chia sẻ.

Do đó, TS Doanh cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhiều biến động của kinh tế thế giới

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã không suy giảm liên tục qua các quý như những lo ngại từ đầu năm, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Quan trọng hơn, Việt Nam bước đầu đã thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi về tỷ giá, lãi suất… từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, bên cạnh những tồn tại, hạn chế của kinh tế trong nước, bối cảnh thương mại và thị trường thế giới cũng đang có nhiều biến động lớn, có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Cần tăng khả năng giám sát dòng vốn và hàng hóa ngoại vào Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

“Diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô. Những chuyển biến ấy càng đáng lưu tâm hơn khi bối cảnh điều hành hiện tại, cụ thể là áp lực lạm phát trong nước và rủi ro suy giảm tổng cầu của kinh tế thế giới khá giống so với gian đoạn cuối quý III, đầu quý IV năm 2008, dù ở mức độ thấp hơn”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Do đó, cần tăng cường khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cần có cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt.

“Trong thời gian tới, cần cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng, nhưng cần thêm yếu tố “bình tĩnh” để điều hành tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính”, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý./.

Tin mới

Sau thời gian 'chạy ầm ầm' ở Việt Nam, một mẫu xe VinFast đã bàn giao tại Mỹ: Rất hợp bản địa!
8 giờ trước
VinFast vừa chính thức bàn giao lô đầu tiên của mẫu xe điện VF 9 tại Mỹ.
Hai tháng nữa là Tết, Vespa 946 bản Rồng 'hết thời' hét giá, từng đắt ngang xe sang nay có nơi rao dưới 500 triệu
7 giờ trước
Từng một thời có giá bị thổi lên tới 700-800 triệu, cao hơn hẳn mức chính hãng 455 triệu, nay Vespa 946 Dragon nhập khẩu không chính hãng được rao bán với giá tầm 400-600 triệu đồng.
Xe ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng gấp đôi
7 giờ trước
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc từ xe xăng cho đến hybrid và xe thuần điện tràn vào Việt Nam.
Ngành hàng tỷ đô Việt Nam lọt top đầu thế giới, hơn 100 quốc gia từ Á sang Âu đều mê thích
6 giờ trước
Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam.
Nhộn nhịp khuyến mãi cuối năm
5 giờ trước
Mùa cao điểm mua sắm cuối năm đã bắt đầu khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết sắp tới

Tin cùng chuyên mục

Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
11 giờ trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
12 giờ trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
15 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
18 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.