Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Các chuyên gia cho rằng cần nâng cao vai trò UBND các cấp trong giải quyết tranh chấp chung cư (ảnh: Cư dân New Horizon City biểu tình phản đối chủ đầu tư).
Tại Hà Nội, trong số 845 (cụm, tòa) chung cư thương mại có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Còn tại TP.HCM, trong số 935 chung cư cao tầng cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp. Trong số đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật sư BQH và cộng sự), hiện nay xung đột tại các chung cư xảy ra thường xuyên do đa phần các bên đều chưa hiểu cách ứng xử, văn hóa của nhà chung cư. Chưa hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của Chủ đầu tư như thế nào, người dân ra sao. Mẫu thuẫn xảy ra đôi khi không chỉ ở phía chủ đầu tư mà còn cả phía người dân.
Mâu thuẫn chung cư bùng nổ vai trò hòa giải của chính quyền là rất quan trọng.
Do đó, theo ông Hưng, để giải quyết tranh chấp chung cư cần thiết phải có một dự thảo về Luật Chung cư. Luật này sẽ quy định cụ thể hơn về những ứng xử tại các nhà chung cư dành cho cả chủ đầu tư, cư dân và các chủ thể khác như UBND các cấp.
Trên cơ sở bộ quy tắc quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, hành lang pháp lý rõ ràng của tất cả các bên tham gia, ai sai người đó phải chịu phạt. Như thế sẽ xử lý được các vấn đề tranh chấp chung cư hiện nay.
"Hiện nay, Luật Nhà ở đã có các quy định về sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng liên ban hành các thông tư, sửa đổi nhưng vốn dĩ không thể giải quyết được vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong chung cư", Luật sư Bùi Quang Hưng cho biết.
Trên thực tế, trách nhiệm của ba bên Chủ đầu tư, cư dân và chính quyền trong việc giải quyết xung đột chung cư ở nhiều chung cư chưa thực sự thể hiện được rõ nét. Theo Luật sư Nguyễn Hằng Nga - Văn phòng Luật sư Nguyễn Nga và cộng sự, khi xảy ra tranh chấp, xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, vai trò hòa giải của chính quyền là rất quan trọng.
Đối với các tranh chấp quản lý và sử dụng nhà chung cư, việc áp dụng ác quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp hiệu quả, đúng quy định và phần nào đó sẽ được đảm bảo thi hành. Tuy nhiên, để đi đến kiện tụng, cư dân luôn ở phía yếu thế hơn bởi về mặt tài chính, trong một cộng đồng cư dân, để góp tiền để giải quyết tại tòa hay trọng tài là vấn đề rất khó.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm với các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư. Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn chi tiết chế tài cụ thể xử lý các vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư để giúp cho BQT thực hiện vai trò của mình và UBND các cấp có cơ sở can thiệp trong trường hợp xảy ra tranh chấp.