Đó là Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, với công suất thiết kế 1.050MW, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD do liên doanh các nhà đầu tư: Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2020 và dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/01/2021.
Đây là dự án FDI "khủng" nhất từ trước đến nay của địa phương này, dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư gấp 2 lần tổng vốn FDI đăng ký tại địa phương tính đến thời điểm trao chứng nhận đầu tư cho dự án này.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ: dự án này là kết quả của sự nỗ lực quảng bá môi trường đầu tư, hoạt động thu hút đầu tư, cải cách hành chính của TP.Cần Thơ và cũng như quan điểm "chính quyền thành phố đồng hành cùng nhà đầu tư,doanh nghiệp".
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với kết quả đạt được nêu trên đã đưa nhà đầu tư Nhật Bản lên đứng đầu quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Cần Thơ. TP Cần Thơ hiện có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỷ USD, trong đó, có 7 dự án FDI có vốn đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,35 tỷ USD.
Lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng bày tỏ sự tin tưởng với sự tham gia hợp tác liên danh của Tập đoàn Marubeni là nhà đầu tư lớn của Nhật Bản và Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng – đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các công trình lớn, Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sẽ sớm được triển khai và đúng tiến độ kịp thời với các dự án có liên quan đặc biệt là dự án Ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, góp phần đưa Trung tâm điện lực Ô Môn đi vào hoạt động đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết lao động, việc làm cho người dân.
"Về phía địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án triển khai hoạt động, cũng như hỗ trợ Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng; Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với thành phố Cần Thơ phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư", ông Trường cam kết.
Ông Tai Miura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Marubeni Việt Nam, cam kết triển khai dự án đúng tiến độ.
Ông Tai Miura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Marubeni Việt Nam, địa diện nhà đầu tư cho biết: Tập đoàn Marubeni hoạt động kinh doanh đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó đầu tư kinh doanh là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại Tập đoàn đã đầu tư kinh doanh trên 40.000MW điện tại nhiều quốc gia, trong đó riêng điện chu trình tổng hợp, khí hóa lỏng (tương tự dự án Nhiệt điện Ô Môn II) có 5 dự án với công suất trên 12.000MW, Tập đoàn Marubeni tự hào có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực năng lượng. Về năng lực tài chính: ông Tai Miura cũng cho biết năm qua Tập đoàn Marubeni đã đạt tổng doanh thu 70 tỷ USD, lợi nhuận trên 2 tỷ USD.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm ghi nhớ khoảnh khắc khởi đầu cho một dự án lớn.
Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II là một bốn nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn. Khi hoàn thành Trung tâm điện lực Ô Môn (gồm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III, IV) với tổng công suất theo phê duyệt 2.910 MW, ước tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD; nhiên liệu vận hành chủ yếu là nguồn khí đốt thiên nhiên vận chuyển từ vùng biển Tây Nam của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc đầu tư các dự án nguồn điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn sử dụng khí Lô B cho phát điện nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, ổn định nguồn điện quốc gia, hạn chế nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là khu vực miền Nam.