Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ là đơn vị chủ trì lập đề án. Mục tiêu đề án nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế ban đêm (KTBĐ) trên địa bàn thành phố…
Theo lộ trình thực hiện, từ năm 2022-2024, triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (thực hiện trong 2 năm kể từ khi chọn được nhà đầu tư).
Bến Ninh Kiều về đêm. Ảnh: CK
Kế hoạch triển khai mô hình do UBND quận Ninh Kiều thực hiện với các nội dung: Tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động, đồng thời cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng đối với các hoạt động hiện có như: phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu; chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học (kinh doanh hàng may mặc, mỹ nghệ...); chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường Sông Hậu; tuyến đường chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke...
Mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng như: khu vực từ Cầu đi bộ đến đường Trần Phú, đường Lê Lợi, rạch Khai Luông, khu vực Lê Bình; một phần diện tích của Trung tâm hội chợ…
Năm 2024, đánh giá, rút kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực để phát triển KTBĐ toàn thành phố. Năm 2025, vận hành và nhân rộng mô hình KTBĐ ở các quận/huyện trên toàn thành phố.
Chợ Cần Thơ. Ảnh: CK |
Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động KTBĐ bao gồm: vui chơi giải trí; ẩm thực; mua sắm; du lịch, văn hóa, thể thao. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ này có thể được lồng ghép trong các mô hình KTBĐ hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng thành công như: phố đi bộ, chợ đêm , khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, mô hình kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế…
Trong điều kiện thực tế hiện nay, thành phố cũng yêu cầu lưu ý, đối với mô hình chợ đêm, các chợ đêm hiện tại có thể phát triển, nâng cấp như chợ cổ Cần Thơ, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Cần Thơ…
Đối với mô hình khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp: Nâng cấp và phát triển hạ tầng trung tâm hiện có như Sense City, Vincom Xuân Khánh, Vincom Hùng Vương, siêu thị Go!, Mega Market…
Đối với mô hình kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch: Kết hợp tài nguyên sẵn có như cảnh quan sông nước, các điểm đến như Chợ nổi Cái Răng, Đền thờ Vua Hùng, Bến Ninh Kiều, du lịch sinh thái ở Phong Điền, du lịch cộng đồng ở Bình Thủy…
Theo UBND thành phố Cần Thơ, tương tự các trung tâm kinh tế lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), Cần Thơ hội tụ đầy đủ các tiền đề để phát triển KTBĐ.
Bên cạnh đó, tài nguyên sẵn có của Cần Thơ như hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng du lịch, các hoạt động KTBĐ sẵn có, điều kiện tự nhiên sông nước trên bến dưới thuyền, các di sản văn hóa phi vật thể… rất thuận lợi để phát triển KTBĐ, thu hút du khách...