Các ngân hàng có nhiều tên gọi khác nhau cho các sản phẩm gửi tiết kiệm của mình. Có thể chia làm 2 loại chính là: Tiết kiệm thường, Tiết kiệm không rút trước hạn.
Với hình thức tiết kiệm thường, khách hàng có thể rút trước hạn khi có nhu cầu. Người dùng sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn khi rút trước hạn. Số lãi định kỳ mà khách hàng đã nhận phải được hoàn trả lại cho ngân hàng, bằng cách khấu trừ vào phần tiền lãi không kỳ hạn.
Ngoài sản phẩm tiết kiệm thường sẽ có thêm sản phẩm tiết kiệm không cho phép rút trước hạn, có lãi suất cao hơn và nhiều ưu đãi hơn. Thường khách hàng sẽ nhận gốc và lãi vào cuối kỳ tại ngày đến hạn của Sổ tiết kiệm.
Do đó, một khi khách hàng đã ký vào hợp đồng gửi tiết kiệm có quy định "không được rút trước hạn" thì chỉ có thể đợi đến hạn thanh toán mới có thể rút tiền.
Người gửi tiết kiệm cần cân nhắc về nhu cầu và kế hoạch sử dụng nguồn tiền để lựa chọn sản phẩm phù hợp, hoặc có thể chia nhỏ các sổ tiết kiệm để không bị động trong các trường hợp đột xuất.
Nếu đã gửi sổ tiết kiệm "không rút trước hạn", khi cần vốn gấp, khách hàng có thể cầm cố thẻ tiết kiệm này để giải quyết nhu cầu đột xuất của mình. Cũng cần lưu ý, ngân hàng sẽ phong toả sổ tiết kiệm này cho đến khi khách hàng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn sẽ linh động giải quyết cho khách hàng rút trước hạn, thường là rơi vào các trường hợp bất khả kháng như tai nạn bất ngờ, thiên tai lũ lụt, tang chế,…Điều này còn tuỳ thuộc vào quy định cụ thể ở mỗi ngân hàng.
Hoặc, khách hàng đề nghị rút trước hạn và được người có thẩm quyền tại ngân hàng đồng ý, khách hàng sẽ hưởng lãi suất 0% và phải nộp cho ngân hàng một số khoản phí.
Chẳng hạn, tại VPBank, với sản phẩm Phát Lộc Thịnh Vượng, nếu ngân hàng đồng ý cho khách rút trước hạn, khách phải nộp khoản phí (=) Số dư thực tế nhân (x) 0,5% chia (/) 365 nhân (x) số ngày duy trì thực tế của khoản tiền gửi.