Sáng 16/7 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã họp Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng. Uớc thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.
Trong đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 06 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Trong đó, bên cạnh tỷ lệ giải ngân vốn NSTW có sự cải thiện (đạt 30,51%, so với cùng kỳ 28,34%), thì tỷ lệ giải ngân vốn NSĐP (đạt 28,77%), thấp hơn cùng kỳ (32,76%).
Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao (33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương): trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp.
Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn ít và chậm, Bộ KH&ĐT chỉ rõ, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2024 cao hơn khoảng 89.000 tỷ đồng so với năm 2023. Số vốn này chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết.
Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chi cho đầu tư công của các địa phương.
Công tác bồi thường, GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển.
Đặc biệt, giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Giá bán xi măng trong nước tương đối ổn định nhưng có sự chênh lệch theo từng khu vực.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khẳng định, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Về giải pháp, Bộ KH&ĐT đưa ra 8 giải pháp, trong đó, yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT yêu cầu tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.
"Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công", báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Bộ KH&ĐT để giải ngân nhanh số vốn còn tồn đọng trong 6 tháng cuối năm, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.
"Cần ý thức tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", Bộ KH&ĐT nhấn mạnh giải pháp.