10 năm bán vốn 4.000 thương vụ
Tại họp báo diễn đàn M&A năm 2018 ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Thế Phương cho biết, 10 năm qua, thị trường M&A Việt có gần 4.000 thương vụ, với tổng giá trị khoảng 48,8 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, thương vụ kỷ lục của thập kỷ thuộc về ThaiBev (Thái Lan, thông qua công ty con Vietnam Beverage) mua lại 51% Sabeco, trị giá 5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD và dự báo cả năm sẽ đạt 6,5 tỷ USD.
“Có thể nói, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo “bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới”. Bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro cần được lường trước và có giải pháp khắc phục để hoạt động M&A phát triển”, ông Phương nói.
Cùng đó, lãnh đạo Bộ KH&ÐT chỉ ra thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như: Yếu kém của nội tại nền kinh tế; rủi ro từ tình hình thế giới; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Theo báo cáo của Ban tổ chức diễn đàn M&A, năm 2017 hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được đánh giá có thay đổi về chất. Lần đầu tiên, Chính phủ công khai danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, tỷ lệ cổ phần hóa từng doanh nghiệp (DN) để nhà đầu tư và thị trường xem xét lựa chọn, tham gia. Trong 40 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa năm 2017 có nhiều DN quy mô lớn và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngay sau đó như Cty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Cty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam... Các thương vụ này cũng giúp nhà nước thu về 140.000 tỷ đồng vốn nhà nước.
Theo Ban tổ chức diễn đàn M&A, bên cạnh những tập đoàn đạt được thành công và tạo được giá trị cộng hưởng nhờ M&A, vẫn còn một số tập đoàn không lường trước được hiệu quả của thương vụ, không quản lý được doanh nghiệp mục tiêu. Cuối cùng, các DN này phải thoái vốn để trở lại ngành nghề lõi hoặc trả nợ ngân hàng.
“Nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Ðiển hình như thương vụ IPO Becamex IDC chỉ thu về 588 tỷ đồng so với giá trị 9.650 tỷ đồng dự kiến. Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không quyết định mua cổ phần của DN này là nhà nước nắm tỷ lệ vốn lớn trong thời gian quá dài, tình hình nợ vay, triển khai dự án chậm...”, đại diện Ban tổ chức diễn đàn M&A cho biết.
Một trong những DN không thành công khi cổ phần hóa là Tổng Công ty Sông Ðà. Dù kế hoạch bán đấu giá 219,7 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần, nhà nước sẽ nắm 51% (đến 2019) nhưng phiên đấu giá gần 220 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, tương đương 0,35% lượng chào bán. Nhà nước chỉ thu về gần 9 tỷ đồng từ IPO DN này.
Không nên ồ ạt bán
Theo các chuyên gia, những rủi ro trong thực hiện chiến lược M&A, định giá, tuân thủ pháp lý và rủi ro nhân sự được rút ra từ thương vụ Mobifone - AVG. Ðây là thương vụ được giới chuyên môn và các nhà đầu tư , nhà quản lý phân tích mổ xẻ nhiều góc cạnh.
Bà Lê Hải Yến, Cty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, việc đánh giá các thương vụ thoái vốn nhà nước thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sau khi thoái vốn, nhà đầu tư nước ngoài có đẩy mạnh phát triển DN và kiện toàn công tác phát triển DN hay không? Ví dụ, thương vụ nhà đầu tư Thaibew tiếp quản tại Sabeco sẽ giúp DN này thay đổi mạnh mẽ từ yếu tố quản trị…Lúc này, tất cả cổ đông của DN sẽ được hưởng lợi.
Ðánh giá về số phần trăm vốn nhà nước bán ra khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, số lượng DNNN bán nhiều nhưng số vốn thu về còn ít. Các thương vụ M&A thành công chủ yếu do nhà đầu tư quyết định. Cơ quan xây dựng chính sách chỉ có thể dự đoán tình hình. Vốn nhà nước cổ phần hóa chào bán vào thời điểm nhà đầu tư không quan tâm chắc chắn không bán được.
“Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra “chợ” bán mà cần bán làm sao để được giá cao nhất”, ông Hiếu nói.
Vị lãnh đạo của CIEM cũng bày tỏ mong muốn, thị trường M&A năm 2018, cơ quan chức năng sẽ bán vốn DNNN đúng kế hoạch để đạt giá trị cao nhất. “Tôi kỳ vọng vào quyết định của Chính phủ về thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn tới. Từ đó chấm dứt tình trạng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước bị phân mảnh”, ông Hiếu nói.
"Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra "chợ" bán mà cần bán làm sao để được giá cao nhất".
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương