Collagen gắn mác hàng “xịn” theo đường xách tay đang được kinh doanh rất nhiều trên mạng, nhưng đều có điểm chung là mập mờ giá cả, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ; người tiêu dùng vì thế hết sức cảnh giác...
Những năm gần đây, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, mỹ phẩm… với đa dạng các loại sản phẩm và chủng loại. Sự phát triển “thần tốc” trong lĩnh vực này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng hoặc gắn mác hàng xách tay để lừa dối người tiêu dùng kinh doanh tràn lan trên chợ mạng.
Tuy nhiên, điều đáng nói đã là hàng xách tay thì chất lượng rất khó kiểm soát, giá mỗi nơi một khác, nhưng vì tin vào lời quảng cáo là người quen làm trong ngành hàng không hoặc ở nước ngoài mua hàng gửi về, bảo đảm là hàng “xịn” về chất lượng, giá rẻ hơn giá gốc...
Trải nghiệm sản phẩm nhưng "tù mù" về chất lượng collagen “xịn” xách tay
Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam Online, các loại TPCN bảo vệ sức khỏe như Colagen, tinh chất Collagen đang là một trong những mặt hàng được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là chị em phụ nữ. Những sản phẩm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sử dụng Collagen kém chất lượng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Thanh Hà (28 tuổi, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể, chị thường xuyên mất ngủ, do thức khuya làm việc, cộng với chế độ ăn uống chưa khoa học nên da có dấu hiệu lão hóa rất sớm, nhiều vết nhăn, rạn và nám xuất hiện trên vùng da mặt. Thường ngày, chị Hà sử dụng rất nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da nhưng tình trạng trên không cải thiện nhiều. Nghe theo một vài người bạn giới thiệu và tư vấn phải sử dụng những loại Collagen để khắc phục, bổ sung dưỡng chất từ bên trong sẽ có hiệu quả tích cực hơn.
Qua đó, chị Hà có đặt một lọ “Viên uống Collagen Mỹ 390” với giá gần 1 triệu đồng, cùng một lọ tinh dầu hoa anh thảo, đều giới thiệu là hàng nhập Mỹ theo đường xách tay. Chị Hà tin tưởng và làm theo hướng dẫn của người bán hàng. Tuy nhiên, sau 2 tháng sử dụng liên tục vùng da mặt của chị Hà không được cải thiện nhiều, thậm chí, nổi mụn và trong người lúc nào cũng có cảm giác nóng bốc hỏa, phải uống nhiều nước hơn so với bình thường.
Tương tự, chị Minh Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) nghe theo lời giới thiệu của một số người bạn có mua một liệu trình nước Collagen xuất xứ từ Nhật Bản, theo đường xách tay, với giá gần 3 triệu đồng, cao hơn gần 1 triệu đồng so với giá quảng cáo cùng loại trên một số trang thương mại điện tử rao bán. Tuy nhiên, sau khi sử dụng đến tháng thứ 2, chị Minh Anh dường như không cảm nhận được sự thay đổi nào so với lời cam kết quảng cáo của người tư vấn. Quá thất vọng, chị Minh Anh chỉ biết đem câu chuyện của mình để chia sẻ cho mọi người lấy đó là bài học kinh nghiệm.
Tin vào những lời quảng cáo "ngon ngọt" mà người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua Collagen về sử dụng, nhưng tù mù về chất lượng
Trên đây, chỉ là 2 câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì mong muốn làm đẹp cấp tốc, tin “người quen” giới thiệu chỗ “tin cậy” để mua những loại thực phẩm chức năng làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cảnh giác về nguồn gốc xuất xứ
Dạo quanh trên một số trang thương mại điện tử, facebook gõ từ khóa “Collagen” thì sẽ cho nhiều kết quả, địa chỉ người kinh doanh với đa dạng mẫu mã và chủng loại. Điểm chung của tất cả đều gắn mác xách tay và giá cả thì nhập nhèm, chênh lệch nhau rất nhiều dù cùng một sản phẩm như nhau. Ví dụ như sản phẩm viên uống Collagen Mỹ 390 Tablets như nêu trên, theo tham khảo của PV, cùng 1 sản phẩm, ở 2 địa chỉ đều quảng cáo hàng chính hãng nhưng giá đã chênh lệch 200 nghìn đồng. Hoặc như sản phẩm Collagen Shisendo (Nhật Bản) đang được rất ưa chuộng trên thị trường hiện nay, có nơi bán 550 nghìn đồng/hộp/10 lọ 50ml, nhưng có nơi giá là 800 nghìn đồng, đến 1,2 triệu đồng…
Collagen được bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang
Có thể kể ra đây một số nhãn hiệu không xác định nguồn gốc đang được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trên các mạng online, hoặc cửa hàng hiện nay như: Shisendo, Mejii Amino, Avon, Hanami, Transino (Nhật), Costar, Amex, Rebirth (Australia), NuHealth, Now@, Neocell, ResVitále (Mỹ), Wrinkle (Hàn Quốc)...
Giá cả của Collagen cũng chênh lệch nhau rất nhiều, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một sản phẩm. Có cả loại Collagen bán theo kg, giá trên dưới một triệu đồng một kg. Nếu người mua có ít tiền, người bán sẵn sàng chia nhỏ bao lớn, bán theo từng gam kèm hướng dẫn. Đặc biệt, hiện nay công nghệ làm giả, làm nhái rất tinh vi, bằng mắt thường người tiêu dùng hoàn toàn không thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng.
Theo các chuyên gia sức khỏe, Collagen có những tác dụng đặc hiệu đối với cơ thể, nhưng chỉ khi nào được sử dụng đúng loại, đúng mục đích. Trước khi mua hàng người tiêu dùng đặc biệt cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm không nên vội vàng tin theo những lời quảng cáo ngon ngọt, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, tràn lan trên các diễn đàn, trang mạng bán hàng online như hiện nay kẻo sẽ khó tránh khỏitrải nghiệm đau thương với Collagen “xịn” xách tay.
Cách chọn collagen an toàn, hiệu quả: Theo các chuyên gia khuyên nên mua các sản phẩm Collagen từ những cửa hàng mỹ phẩm, tiệm thuốc uy tín. Nên ưu tiên sản phẩm đã có kiểm nghiệm lâm sàng sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo đủ hàm lượng in trên bao bì, lẫn tạp chất, kim loại nặng (arsenic, chì, thủy ngân, đồng, cadmium…) và các chất bảo quản độc hại. Bên cạnh yếu tố hàng đầu là kiểm nghiệm lâm sàng về thành phần, cũng cần kiểm tra kỹ thông tin bao bì, nhà sản xuất, hãng phân phối, hạn sử dụng… trước khi mua và sử dụng bất kỳ loại Collagen nào. |
(Theo Viet Q)