Giữa năm 2019, UBND phường Tân Thới Nhất, Q.12 đã ra văn bản cảnh báo người dân cẩn trọng với một dự án ma do công ty Vietland làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên đường Dương Thị Giang, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM.
Đầu năm 2019, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã có văn bản cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn. Lợi dụng tâm lý mua đất giá rẻ, nhiều đối tượng đã tiếp thị, phát tờ rơi quảng cáo sai sự thật về 4 khu đất ở phường này.
Hay gần đây UBND tỉnh Tây Ninh cũng cảnh báo về dự án ma xuất hiện ở khu dân cư Bến Cầu và khuyến cáo người dân cảnh giác.
Mới đây, nhiều khách hàng mua nền đất tại các dự án Hưng Thịnh Cát Tường của Công ty TNHH đầu tư xây dựng bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) đã kéo xuống Tỉnh ủy Long An và Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) để cầu cứu. Trước những bức xúc của người dân về việc Công ty Hưng Thịnh rao bán dự án “ma” 27 ha, ông Nguyễn Anh Việt, Phó giám đốc Sở KH-ĐT khẳng định đến nay Sở KH-ĐT chỉ mới chấp thuận cho Công ty Hưng Thịnh đầu tư dự án Hưng Thịnh Cát Tường với diện tích 9,4 ha, còn dự án mở rộng 27 ha là không có thật. Hiện Sở KH ĐT đã báo cáo sự việc lên Bộ KH ĐT.
Dự án ma "giăng bẫy" khắp nơi
Trước đó, Công ty Angel Lina rao bán nhiều dự án "ma" tại các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh. Doanh nghiệp này từng bị đại biểu HĐND TP.HCM chỉ đích danh về việc lừa đảo. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Angel Lina) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Công ty Angel Lina của bà Nhung đã dựng lên nhiều dự án “ma” trên đất công cộng, đất quy hoạch tại quận 9, quận Bình Tân rồi rao bán cho người dân dưới hình thức góp vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia, trước và cùng thời điểm với vụ án Alibaba, loạt bán dự án “ma” đã xuất hiện rải rác trên thị trường BĐS Tp.HCM và tỉnh lân cận. Tâm lý của người mua đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ tình trạng này. Dù được đánh giá là phân khúc hấp dẫn nhất trong các loại hình BĐS, nhưng chính vì hàng loạt dự án “ma” giăng bẫy khắp nơi đã khiến nhiều NĐT chùn tay khi rót vốn vào đất nền, vì lo ngại sự an toàn. Đáng nói, các dự án ma này xuất hiện ngày càng nhiều, dưới nhiều hình thức tinh vi, khó xử lý triệt để do còn liên quan đến nhiều yếu tố, chủ thể khác nhau.
Do là phân khúc hấp dẫn về lợi nhuận nên đất nền luôn đi kèm những rủi ro nhất định. Không thể phủ nhận, xu hướng đầu tư đất nền vẫn là chủ đạo trên thị trường BĐS. Bởi vì đây là kênh đầu tư với mức vốn ít, lợi nhuận cao. Có trong tay khoảng 1 tỷ đồng là nhiều NĐT đã có thể tự mua một miếng đất hoặc hùn tiền với ai đó để đầu tư, sau 1 năm có thể thu lãi 200-300 nếu thuận lợi.
Trong khi đó, rót tiền vào chung cư thường mang lại lợi nhuận thấp hơn, một số người còn thậm chí còn phải chấp nhận bán lỗ vì mua căn hộ nhiều năm nhưng không có sổ hồng. Chưa kể đến những rủi ro tiềm ẩn như bị chôn vốn bởi dự án lấn cấn pháp lý, hoặc chủ đầu tư chậm tiến độ.
Còn kênh nhà phố thì lại càng khó khăn hơn khi đây là phân khúc đòi hỏi lượng vốn khủng. Tuy cho mức lợi nhuận chênh lệch khá cao nhưng nhà đầu tư thường phải có trong tay từ 4 tỷ thì mới có thể bắt tay vào làm.
Tuy là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng đến thời điểm này tâm lý của người mua đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các dự án ma hoành hành trên thị trường. Theo các chuyên gia, giao dịch tổng quan thị trường thời gian qua giảm, nhất là phân khúc đất nền cũng một phần do tác động từ yếu tố tâm lý e dè này.
Ngoài yếu tố trên thì thực tế cho thấy thị trường đất nền không còn nhiều quỹ đất để nhà đầu tư kiếm lời. Đặc biệt là ở TP.HCM.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM - người tiếp nhận nhiều hồ sơ kiện tụng liên quan đến đất đai cho biết, việc các môi giới giàu lên từ các cơn sốt đất là không hiếm. Tuy nhiên, những cơn sốt đất chỉ xảy ra khoảng một thời gian ngắn, và các NĐT cũng mua đi rồi bán lại, sau đó lại tiếp tục mua miếng khác để hưởng chênh lệch nên giá đất bị đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế đó có thể là giá ảo và nguy cơ người mua ôm phải “bong bóng” là rất lớn.
“Việc sốt đất ở một vài địa điểm, khu vực do có thông tin sân bay hay cầu. Tuy nhiên, trên thực tế các công trình này còn chưa hiện hữu. Trong khi giá đất đang bị đẩy lên quá cao mà các công trình này vẫn đứng im trong thời gian dài thì NĐT nguy cơ bị chôn vốn là rất cao. Việc sốt đất này có thể chỉ xảy ra một thời gian ngắn nên cả NĐT lẫn môi giới đều phải hết sức thận trọng”, Luật sư Cường khuyến cáo.