Đúng một tháng trước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lên ngay kịch bản ứng phó với giá thịt lợn tăng cao. Khi đó, các cơ quan liên quan có vẻ khá chủ quan và nay, Phó Thủ tướng phải triệu tập họp khẩn vì cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vào một tháng trước, giá thịt lợn leo lên mức 60.000-70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 3 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định giá trong tầm kiểm soát nhưng chỉ trong vòng 30 ngày, diễn biến giá đã lên đến mức sốc. Việt Nam đang là một trong những nước có giá thịt lợn cao nhất thế giới.
Các kịch bản mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem ra có vẻ không hiệu quả nên không kìm được giá thịt lợn. Kịch bản đó là đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản, đại gia súc để bù đắp vào phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.
Các số liệu tại cuộc họp được bộ này báo cáo là, dự kiến hết tháng 10, thịt gia cầm tăng 13,5%, (tăng khoảng 150 nghìn tấn), có trên 130 nghìn tấn thịt trâu bò, trên 30 nghìn tấn thịt dê, cừu.
Ngoài ra, còn có hơn 13 tỷ quả trứng gia cầm (tăng hơn 2 tỷ quả, tương đương 100 nghìn tấn so với năm 2018), sản lượng thủy sản tăng 6,12% trong đó tôm đạt sản lượng 750 nghìn tấn (tăng hơn 50 nghìn tấn), cá tra đạt sản lượng 1,2 triệu tấn (tăng hơn 80 nghìn tấn)... Đến nay, tổng sản lượng lương thực thực phẩm các loại tăng 390 nghìn tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tổng đàn và cơ cấu đàn lợn chưa bị mất cân đối quá lớn. Tổng đàn lợn theo báo cáo các tỉnh còn 25 triệu con. Đáng chú ý, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tăng giá, theo bộ này là do tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có tư tưởng găm hàng, nuôi lợn lên đến 170 đến 180kg/con thay vì 90 đến 110kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Cùng với đó là hiện tượng vận chuyển theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.
Trong khi người dân đang rất sốt ruột vì giá lợn tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng, nhìn chung giá các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi ở thời điểm hiện nay phù hợp với cung cầu trong nước và khu vực. Mức giá 74 nghìn/kg là mức chung của các nước trong khu vực hiện nay.
Thậm chí, để dẫn chứng cho điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại dẫn chứng giá thịt lợn ở quốc gia láng giềng Trung Quốc, nơi đang lâm vào cuộc đại khủng hoảng giá thịt lợn, giá ở đây là 137 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg, để so sánh!?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã vô hình chung cùng tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao và thương lái đã lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường. Ví dụ ở ngay khu vực Hà Nội, giá lợn bán ra của Công ty cổ phần Việt Nam ngày 14/11 là 66 nghìn đồng/kg nhưng thông tin đưa là giá thịt lợn ở Hà Nội là 73 nghìn đồng/kg...
Không kìm được nóng giận khi nghe báo cáo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói thẳng, "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm tốt chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ".
Theo Phó Thủ tướng, thịt lợn tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm, khu vực miền Bắc trung bình từ 70 nghìn đến 75 nghìn, cá biệt có nơi còn 80 nghìn/kg, vùng Đông Nam Bộ là khu vực cung cấp nhiều nhất cho phía Nam và cả nước là 70 nghìn đến 75 nghìn/kg...
"Phải khẳng định là có thiếu hụt nguồn cung chứ không phải chỉ do thương lái găm hàng", ông Huệ nhấn mạnh, "Người tiêu dùng thua thiệt, trung gian trục lợi thì cũng thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Muốn giải pháp đúng thì phải đánh giá đúng tình hình".
Ông yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp chặt với Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê làm lại báo cáo, đánh giá thực chất, khẳng định thiếu hay không, khẳng định các giải pháp đã thực hiện và đưa ra các biện pháp giải quyết cung- cầu để bù đắp thiếu hụt, chưa kể nhu cầu những ngày lễ, Tết khi thực phẩm thịt lợn tăng 25- 30%/ngày, chứ không phải chỉ tăng 15%/ngày như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong báo cáo phải nói rõ cung - cầu từng tháng, nhất là trong tháng 12 và tháng 1, tháng 2 năm sau. Báo cáo Chính phủ kế hoạch tái đàn như thế nào để bù đắp nguồn cung, cũng như không để dư thừa nguồn cung.
Phần thiếu hụt, Bộ Công Thương tính toán báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ các nước có quan hệ thương mại 2 chiều với Việt Nam theo tinh thần Chính phủ sẽ bảo đảm điều hòa cung - cầu thịt lợn để hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chặt chẽ nguồn cung từng nhóm sản phẩm chăn nuôi; hướng dẫn địa phương tái đàn phù hợp; hướng dẫn kỹ thuật để không bị dịch trong tái đàn và tăng cường đàn.