Theo báo The Globe and Mail, Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne cho biết hiệp định thương mại giữa Canada và Trung Quốc không còn đáng để theo đuổi và Canada quyết định từ bỏ các cuộc đàm phán thương mại tự do vốn đã được khởi xướng 4 năm trước.
Ông François-Philippe Champagne nhận định: "Tôi không thấy có đủ điều kiện để các cuộc thảo luận này tiếp tục diễn ra vào lúc này. Trung Quốc của năm 2020 không phải là Trung Quốc của năm 2016. Tất cả sáng kiến và chính sách đã được đưa ra vào thời điểm đó (vào năm 2016) với Trung Quốc) cần được xem xét lại".
Ngoại trưởng Canada cho biết thêm các cuộc đàm phán này vốn đã trì trệ hơn 1 năm qua.
Ngoại trưởng François-Philippe Champagne gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh ở TP Munich, Đức, vào tháng 2. Ảnh: The Canadian Press
Bình luận của Champagne đã gác lại ý tưởng về một thỏa thuận thương mại tự do với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà Thủ tướng Justin Trudeau đang phải chịu áp lực từ trong nước.
Những người chỉ trích cho rằng ông Justin Trudeau sẵn sàng nhượng bộ để đổi lại nhiều giá trị thương mại nhiều hơn với Trung Quốc.
Cũng theo The Globe and Mail, Thủ tướng Justin Trudeau không muốn thiết lập lại bầu không khí vui vẻ như cách đây 4 năm. Ngoại trưởng Champagne đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về "chính sách ngoại giao hung hăng và cưỡng ép".
Văn phòng của ông Champagne chưa phản hồi với Reuters về những thông tin báo Globe and Mail công bố.
Nếu thông tin Ngoại trưởng Champagne trả lời báo The Globe and Mail là đúng, điều này sẽ đánh dấu một thay đổi đáng kể trong chính sách của Thủ tướng Justin Trudeau sau nhiều năm nỗ lực đàm phán với hy vọng trở thành thành viên đầu tiên của G7 ký thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoại trưởng François-Philippe Champagne cho biết ưu tiên hàng đầu của Canada là đưa cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig (phải) và doanh nhân Michael Spavor về nước. Ảnh: Reuters
Quyết định hủy đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc được đưa ra giữa lúc quan hệ Canada - Trung Quốc leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề, trong đó có vụ bắt giữ công dân của nhau.
Ngoại trưởng François-Philippe Champagne cho biết ưu tiên hàng đầu của Canada là đưa cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - những người bị buộc tội gián điệp ở Trung Quốc hồi tháng 6 - về nước.
Trước đó, tháng 12-2018, Canada đã bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ.
Bất chấp căng thẳng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, chỉ sau Mỹ. Kể từ đầu năm đến tháng 7, kim ngạch xuất khẩu từ Canada sang Trung Quốc tăng 23,6% trong khi nhập khẩu tăng 13,9%.