Do Nhà Trắng đe dọa áp thuế cao hơn với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, các công ty quản lý cảng biển đang phải đối mặt với viễn cảnh các chuyến tàu bị hủy, mất việc làm.
“Đó sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Mario Cordero, giám đốc điều hành cảng Long Beach, California, nói. “Nó sẽ gây bất lợi cho công việc tại cảng, bất lợi cho kinh tế bang và kinh tế quốc gia”.
Là những cửa ngõ sầm uất nhất với hàng Trung Quốc nhập khẩu, các cảng ở Los Angeles và Long Beach có “vị trí tiền tuyến” trong cuộc chiến thương mại giữa Washington với Bắc Kinh. Năm 2017, các cảng ở nam California tiếp nhận 173 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, tương đương 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Tác động của việc mở rộng chính sách thuế quan với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng hầu hết trong số 328 cảng chính ngạch do Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ quản lý, từng tiếp nhận 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm 2017. Chiều ngược lại, 130 tỷ USD hàng hóa do Mỹ sản xuất cũng đi qua những cảng này tới Trung Quốc mỗi năm, tạo ra thâm hụt thương mại 375 tỷ USD năm 2017.
Hầu hết các nhà kinh tế nhất trí rằng chính quyền Trump đã hiểu sai tác động của mất cân bằng thương mại, điều họ cho rằng không gây hại đến kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc lại chính là vấn đề nóng của Tổng thống Trump cùng phe ủng hộ, những người ủng hộ ông chủ Nhà Trắng trong việc đơn phương áp thuế với khoảng 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc lập tức đáp trả tương xứng, áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu. Chính quyền Trump ứng phó bằng cách chuẩn bị áp thuế với thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Không có cuộc đàm phán rõ ràng nào giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra trong tuần trước. Ông Trump còn tuyên bố sẵn sàng đánh thuế mọi sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ.
“Tôi sẵn sàng nâng lên 500”, ông Trump nói, ám chỉ 500 tỷ USD hàng hóa.
Tác động trực tiếp của một hành động như vậy sẽ giáng lên các nhà vận hành cảng biển, công ty vận tải biển và công nhân của họ. Cảng Los Angeles và Long Beach ước tính họ tạo ra gần 1 triệu việc làm ở nam California. Năm 2017, hai cảng luân chuyển 145 tỷ USD hàng xuất và nhập khẩu với Trung Quốc, chiếm hơn một nửa trong tổng giá trị thương mại 284 tỷ USD tại các cảng.
Do đó, mọi sự suy giảm trong dòng chảy thương mại Trung Quốc có thể dẫn đến các đợt sa thải, Cordero nói. Nó còn ảnh hưởng đến nguồn thu thuế địa phương và liên bang trị giá 320 tỷ USD.
Giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu tại các cảng biển ở Mỹ.
Cho đến lúc này, khối lượng thương mại với Trung Quốc dường như vẫn giữ nguyên. Thực tế, trong ngắn hạn, lượng vận tải hàng hóa còn tăng mạnh do các nhà sản xuất tìm cách buôn bán sớm nhất có thể trước khi thuế tăng, theo Kurt Nagle, chủ tịch Hiệp hội các cảng biển Mỹ.
Khối lượng thương mại với Trung Quốc thường tăng mạnh vào thời gian này hàng năm, ngành vận tải biển đạt đỉnh nhờ các sự kiện bán lẻ tăng mạnh trong tháng 8, khuyến mại mùa tựu trường và mùa mua sắm nghỉ lễ tháng 12. Một số hãng bán lẻ và nhà cung ứng được cho là đang cân nhắc việc thực hiện các đơn hàng trước khi thuế tăng.
Cho đến lúc này, mùa nghỉ lễ đang được coi là hứa hẹn nhất cho các nhà bán lẻ nhờ niềm tin và thu nhập của người tiêu dùng tăng, thuế thấp hơn, theo James Bohnaker, nhà phân tích tại HIS Markit. Ông dự đoán doanh số tăng 4,9% so với năm ngoái. Mùa tựu trường năm nay cũng hứa hẹn nhất kể từ năm 2014.
Điều này có thể thay đổi nếu người tiêu dùng phải trả giá cao hơn do các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu bị áp thuế. Mọi sự chững lại trong chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 GDP Mỹ, sẽ nhanh chóng lan rộng ra nền kinh tế.
700.000 việc làm có nguy cơ biến mất
Greg Daco, nhà kinh tế tại Oxford Economics,ước tính nếu Mỹ áp thuế 10% lên thêm 400 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng thuế 25% với mọi mặt hàng của Mỹ, kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 70% tăng trưởng GDP. Tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5%. Đến năm 2020, tổng lượng GDP biến mất sẽ đạt 1% tại Mỹ, xóa sổ 700.000 việc làm tại nước này và thiệt hại ở Trung Quốc cao hơn nhiều lần.
“Sức mạnh kinh tế hiện tại ở Mỹ không hơn gì một ảo ảnh và căng thẳng thương mại có thể gia tăng vào đúng thời điểm đà tăng trưởng toàn cầu chậm lại”, ông nói.
Viễn cảnh đó, cùng sự bất định trong bước đi tiếp theo của ông Trump, có thể đang khiến các doanh nghiệp có giao thương với Trung Quốc phải “ớn lạnh”.
“Các thành viên của chúng tôi dự định đầu tư 155 tỷ USD trong 5 năm tới cho cơ sở hạ tầng để các cảng có thể thích ứng tốt hơn với các lợi ích thương mại”, theo Nagle. “Nhưng lúc này, chúng tôi lo ngại về việc đầu tư như vậy trong một môi trường thương mại bất ổn. Có rất nhiều sự bất ổn”.
Sự bất ổn đó khả năng cao còn kéo dài. Trump dường như đã thiết lập được thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước, khi hai bên đều xuống giọng và nhất trí cùng hành động để hạ thấp thuế. Tuy nhiên, một số nhà phân tích bày tỏ nghi ngờ về việc Mỹ có thể sớm đạt thỏa thuận với Trung Quốc sau đó.
"Nó có hiệu quả với EU, Trung Quốc cũng đã thử một số chiến thuật mềm mỏng tương tự và bị khước từ”, Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nói. “Có vẻ như họ sẽ không phạm một sai lầm hai lần”.