Lợi dụng lãi suất siêu thấp
Các ngân hàng cho biết những khách hàng giàu có đang đi vay nhiều hơn bao giờ hết, thường sử dụng số tiền đó để "nạp đạn" cho danh mục đầu tư. Tổng cộng số nợ liên quan đến chứng khoán và các khoản nợ phi thế chấp khác mà các khách hàng được mảng quản lý tài sản của Morgan Stanley phục vụ đã lên tới 68,1 tỷ USD – cao gấp hơn 5 lần so với 5 năm trước. Số nợ liên quan đến chứng khoán tại Bank of America cũng là 62,4 tỷ USD.
Ngoài các điều kiện trả nợ khá linh hoạt và mức lãi suất thấp, những khoản vay còn có nhiều lợi ích khác. Chúng cho phép người đi vay có được tiền mặt mà không phải bán ra cổ phiếu khi thị trường đang nóng. Các nhà sáng lập startup có thể kiếm tiền từ số cổ phần sở hữu tại công ty mà không mất đi quyền kiểm soát. Và giới siêu giàu thường sử dụng chiến lược "mua, đi vay, chết đi" để tránh thuế đánh vào thặng dư vốn.
Năm 2002, khi Tom Anderson bắt đầu làm việc tại chi nhánh của Merill Lynch ở Iowa, nhiều khách hàng của anh chỉ có 1 hoặc 2 khoản vay như vậy. Tuy nhiên, sau chục năm, anh đã khuyến khích khách hàng vay nhiều hơn và các đồng nghiệp cũng là tương tự.
"Bạn có thể mua 1 chiếc thuyền, tới Disney World, mua cả 1 công ty với những khoản vay như vậy. Có rất nhiều lợi ích về thuế", Anderson nói.
Phép toán khá rõ ràng: nếu 1 tài sản tăng giá nhanh hơn lãi suất đi vay – điều đang diễn ra trong thời điểm hiện nay, thì người đi vay sẽ được lợi. Và theo luật hiện nay thì các nhà đầu tư và người thừa kế của họ không phải nộp thuế thu nhập trừ khi họ bán ra số cổ phiếu đó. Có thể bị áp thuế tài sản, nhưng người thừa kế chỉ phải nộp thuế thặng dư vốn khi họ bán ra và chỉ nộp trên phần tăng lên kể từ khi chủ sở hữu cũ qua đời. Càng vay nhiều thì họ càng có thể nắm giữ tài sản lâu hơn và tiết kiệm được nhiều thuế hơn.
"Lối suy nghĩ về nợ của các tỷ phú rất khác so với người thường. Khi bạn giàu thì câu chuyện cũng đơn giản và dễ dàng hơn. Quy tắc rất đơn giản đã tồn tại 100 năm: mua, đi vay và qua đời".
Đã đến lúc lấp lỗ hổng?
Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ đang hướng tới mục tiêu thay đổi các quy tắc để bịt lỗ hổng này. Kế hoạch của ông Biden dự định nâng thuế đánh vào thặng dư vốn từ mức 23,8% hiện nay lên 43,3%, đồng thời đánh thuế cả những khoản lãi chưa được thực hiện.
Tuy nhiên những thay đổi này sẽ chỉ làm giảm sự hấp dẫn của các khoản vay mà không hoàn toàn lấp đầy được lỗ hổng. Hơn nữa dự luật này có thể không được quốc hội Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc thông qua. Các nghị sĩ Cộng hoà và cả một số nghị sĩ Dân chủ đã nêu lên lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư và những doanh nghiệp gia đình.
Đánh thuế các khoản vay sẽ làm thay đổi căn bản chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, mặc dù nhiều người đi vay nhưng ai cũng sẽ qua đời, vì thế đề nghị của ông Biden có thể ảnh hưởng đến cả những người không tận dụng lỗ hổng thuế đã nói ở trên.
Trong những ngày đầu sau khi dịch bệnh bùng phát, thị trường bị ám ảnh bởi "bóng ma" margin call – tình huống khi bên cho vay yêu cầu người vay phải ký quỹ thêm hoặc phải trả nợ một phần để tránh thiệt hại. Tuy nhiên sau đó thị trường đã nhanh chóng hồi phục và những khách hàng giàu có càng vay nhiều hơn.
Những khoản vay dựa trên chứng khoán cũng ít nhiêu khê hơn so với vay thế chấp hay vay mua ô tô. Khối lượng giấy tờ phải xử lý ít hơn, và loại nợ này cũng không xuất hiện trên các báo cáo chấm điểm tín dụng.
Mới đây Merrill Lynch đưa ra mức lãi suất 3,2% đối với các khách hàng sở hữu tài sản ít nhất 1 triệu USD. Những khách có tài sản tối thiểu 100 triệu USD có thể được hưởng lãi suất chỉ 0,87%.
Các ngân hàng không lo ngại về mức lãi suất thấp bởi họ vẫn kiếm được khoản phí quản lý tài sản. Theo Anderson, thông thường các ngân hàng sẵn sàng cho vay số tiền tương đương ít nhất 50% giá trị danh mục của khách, nhưng thường thì khách sẽ chỉ vay tối đa 25% để giảm thiểu rủi ro bị margin call khi thị trường lao dốc.
Mặc dù ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp không khuyến khích, thậm chí cấm các giám đốc lấy cổ phiếu của công ty mà họ điều hành làm tài sản ký quỹ để đi vay, tại nhiều công ty đại chúng của Mỹ (trong đó có Elon Musk của Tesla) đã sử dụng số cổ phiếu trị giá hơn 150 tỷ USD để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu InsiderScore.
Fred Smith, nhà sáng lập và cũng là Chủ tịch kiêm CEO của FedEx, đã lấy 598 triệu USD cổ phiếu FedEx làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tính đến tháng 7/2020. Những khoản vay này giúp ông có tiền để đầu tư mạo hiểm bên ngoài và mua thêm cổ phiếu FedEx. Đây là 1 trường hợp ngoại lệ trong chính sách của FedEx, một phần bởi vì công ty cho rằng Smith đã chứng minh được năng lực trở nợ khi cần thiết mà không cần phải bán ra cổ phiếu.
Những khoản vay như trên đặc biệt hữu ích đối với các nhà sáng lập không muốn mất đi quyền bỏ phiếu sau khi công ty của họ đã lên sàn.
Tham khảo Wall Street Journal