Với lưu lượng chuyến bay ở mức này, mỗi ngày sân bay Nội Bài chỉ đón tiếp trên dưới 6.000 hành khách. Đây là mức thấp nhất từ đầu đến nay tại một trong những cảng hàng không lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên đây cũng là tình hình chung đối với hầu hết các sân bay trên cả nước, do quy định hạn chế đi lại tại một số vùng có dịch. Và phần lớn hành khách cũng chủ động hoãn, hủy chuyến do lo ngại dịch bệnh.
Ngành hàng không đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Dân trí)
Trước đó hôm 27/5, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Nam, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh toàn bộ các đối tượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/5/2021 đến hết ngày 4/6/2021.
Vận tải hàng không dân dụng có thể hoàn toàn phục hồi vào năm 2023
Trong dự báo đưa ra ngày 26/5, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới hiện vẫn phải áp đặt các biện pháp hạn chế do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Điều này khiến cơ quan trên thận trọng dự báo lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trong năm 2021 sẽ chỉ đạt mức gần 52% so với mức trước khi đại dịch xảy ra (năm 2019). Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên 88% vào năm 2022 và trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023.
IATA cũng cho biết, sau khi lượng khách hàng không phục hồi và quay trở lại như thời điểm trước đại dịch vào năm 2023, dự báo tới cuối thập kỷ này, mỗi năm ngành hàng không thế giới sẽ vận chuyển một số lượng hành khách trung bình là 5,6 tỷ lượt.