Xu hướng phát triển cảng biển nước sâu ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt. Các cảng này có mớn nước sâu khoảng 12-15m, đủ để tiếp nhận tàu có sức chứa hơn 8.000 TEU. Nhu cầu thị trường đang thúc đẩy xu hướng sử dụng cảng nước sâu ở Việt Nam.
Mới đây, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam – ông Nicolas Warnery và ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM cùng đoàn quan chức Pháp, đại diện hãng tàu hàng đầu của Pháp CMA CGM đã đến thăm và làm việc tại Cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép – Thị vải.
Từ rất sớm, khi đất nước mở cửa những năm thập niên 1990, đã có những liên doanh đặc biệt giữa Việt nam và Pháp. Gematrans, Gemadept và Tổng công ty Hàng hải Pháp (bây giờ là CMA-CGM) là những người bắc chiếc cầu đầu tiên mở tuyến để tàu container Việt nam chở hàng hóa xuất nhập khẩu đi ra với thế giới, khởi đầu cho một giai đoạn kinh tế Việt nam phát triển mạnh mẽ.
Năm 2020, Cảng Gemalink – Cảng nước sâu lớn nhất Việt nam sắp hoàn thành, tạo thêm một dấu ấn quan trọng khác trong mối quan hệ Pháp – Việt nam trong lĩnh vực kinh doanh. Đây là dự án do 2 tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Gemadept (75%) và CMA-CGM (25%) góp vốn cùng thực hiện đầu tư. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 520 Triệu USD và trong đó giai đoạn 1 là 330 Triệu USD. Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (Gemalink) là chủ đầu tư dự án. Khi hoàn thành, Gemalink sẽ trở thành một trong 19 cảng nước sâu lớn trên thế giới có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.
Gemalink hiện có lợi thế về vị trí đắc địa là nằm gần luồng hàng hải quốc tế, ngay cửa sông Thị Vải – Cái Mép với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu; tổng chiều dài cầu bến là 1.500m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 2 tàu Feeder ra vào làm hàng; đây cũng là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối các nước khu vực Châu Á như Philippines, Thái Lan, Campuchia và trong nước như Hải Phòng, Đà nẵng, Qui Nhơn cũng như khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long. Gemalink được trang bị các thiết bị và công nghệ đồng bộ hiện đại với năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200.000 DWT tương đương 23,000 TEU. Năng lực xếp dỡ của Cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm.
Đại diện hãng tàu hàng đầu của Pháp CMA CGM đã đến thăm và làm việc tại Cảng nước sâu Gemalink tại khu vực Cái Mép – Thị vải.
Cảng được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019. Đến nay, Cảng đã hoàn thành khoảng 80% tiến độ xây dựng, tất cả các hạng mục đang được triển khai đúng tiến độ, sẵn sàng để Gemalink vận hành thử nghiệm trong quý 4/2020 và chính thức đưa vào vận hành khai thác từ quý 1/2021.
Cảng Gemalink đưa vào khai thác sẽ kịp thời giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại khu vực Cái Mép, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa của Việt nam khi chúng ta vừa tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt với hai hiệp định CPTPP, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa Vũng tàu nói riêng, bởi lẽ cảng nước sâu chính là hạt nhân cho sự phát triển các Trung tâm Logistics, mạng lưới ICD vệ tinh, kho bãi liền kề, khu cụm công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ…
Chia sẻ sâu hơn về cảng này, đại diện Gemadept cho biết theo kế hoạch năm 2021 cảng này sẽ hòa vốn, tuy nhiên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, nếu hoạt động hết công suất, lợi nhuận Gemalink có thể lên đến 20 triệu USD, trong đó khoảng sau 2 năm khi chính thức đi vào hoạt động cảng mới có thể hoạt động tối đa công suất. Ước tính riêng năm 2020, doanh thu cảng vào mức 37 triệu USD, đến nay cảng đang hoàn thiện đâu đó 80% tiến độ công trình.
Năm nay, Gemadept xây dựng kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản theo diễn biến của tăng trưởng GDP Việt Nam, gồm:
+ Kịch bản 1 (GDP tăng trưởng 4,8%) thì doanh thu dự kiến giảm 19% còn 2.150 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 29% xuống 500 tỷ đồng.
+ Kịch bản 2 (tăng trưởng GDP ở mức 4%), chỉ tiêu doanh thu giảm 24% còn 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 39% xuống 430 tỷ đồng.
Kế hoạch trên chưa tính đến doanh thu lợi nhuận từ cảng Gemalink, đại diện Công ty cho hay. Kết thúc quý 1/2020, Gemadept đạt doanh thu thuần 601 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ; tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt gần 123 tỷ đồng, giảm 15%. "Tháng 4-5 thì lợi nhuận tốt hơn quý 1 khoảng 20%, còn con số ước tính cụ thể nửa đầu năm thì chưa tổng hợp", phía Gemadept nói thêm.